Multimedia Đọc Báo in

Khúc hát Then Tày trên cao nguyên

07:05, 14/02/2013

Điệu hát then đàn tính là một trong những nét văn hóa văn nghệ đặc sắc của người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc. Cùng dòng người di cư, điệu hát then đàn tính đã có mặt ở nhiều địa phương của Dak Lak, góp phần làm đa dạng văn hóa trên vùng đất Tây Nguyên.

“Đặc sản” then Tày

Then là một loại hình nghệ thuật, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời và là hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể mang tính nguyên hợp. Về nguồn gốc có nhiều ý kiến khác nhau song đa phần có cùng nhận định: hát Then có xuất xứ từ Cao Bằng, khi  nhà Mạc bị thất sủng. Hầu hết trong các lễ cúng của người Tày đều có hát Then, đây không chỉ đơn thuần là một loại hình âm nhạc hay diễn xướng dân gian mà có sự gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng. Mỗi làn điệu Then đều có một chủ đề nhất định. Có thể đó là những quan niệm sống mà đồng bào Tày gửi gắm vào mỗi ca từ. Có thể đó là lời ca nghĩa tình, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Hay cũng có thể đó là chủ đề ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, ca ngợi Bác Hồ... Có thể khẳng định hát Then mang trong lòng nó lời ăn, tiếng nói được chắt lọc từ trong cuộc sống của đồng bào Tày. Khi vui người ta mời Then, khi nhà có chuyện mời Then, người có bệnh mời Then, người hiếm muộn mời Then... Hát Then thường được diễn ra trong không gian nhà sàn, trong các lễ hội, lễ cúng nhưng với đặc điểm là loại hình ca nhạc tín ngưỡng truyền miệng nó ngày càng trở  thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc. Và trong hát Then không thể thiếu cây đàn tính. Theo truyền thuyết của các dân tộc phía Bắc, cây đàn tính ngày xưa có 12 dây và tiếng của nó làm say mê muôn loài khi nghe được tiếng đàn nên đã cắt đi và chỉ còn lại 3 dây nhưng tiếng đàn vẫn vô cùng truyền cảm và đi vào lòng người một cách say đắm. Hiện nay đàn tính 12 dây rất ít người có thể sử dụng nó một cách thành thạo. Đàn tính được sử dụng phổ biến bây giờ là đàn 2 dây và đàn 3 dây. Đàn 3 dây thường dùng cho nữ và đàn 2 dây dùng cho nam.

Khúc hát Then Tày trên cao nguyên

Đối với những người Tày di cư vào Tây Nguyên, việc lưu giữ văn hóa đàn tính được xem như giữ hồn của quê hương. Ở mỗi vùng làn điệu Then lại có những nét độc đáo riêng: Then Lạng Sơn dìu dặt tha thiết; Then Tuyên Quang dồn dập như khúc quân hành; Then Hà Giang như nhấn nhá từng tiếng một; Then Bắc Cạn như chuyện kể thầm thì…Then Tày tại Dak Lak mang đậm chất Then Lạng Sơn với giai điệu dìu dặt, tha thiết, lời Then có khi thủ thỉ, sôi động rồi lại trầm buồn, ngẫm ngợi. Với  những người dân xa quê thì tiếng đàn tính vang vọng, lời Then ngọt ngào nồng ấm cùng yếu tố thiêng là món ăn tinh thần có giá trị hơn tất thảy các món ăn tinh thần khác. Bà Long Thị Mén cùng gia đình vào lập nghiệp tại xã Dak Phơi (huyện Lak) từ gần 20 năm nay, nhưng vẫn cảm thấy tiếng Then Tày, đàn tính của quê hương như dòng máu đang chảy trong huyết quản của mình. Sinh ra ở vùng quê Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Cao Bằng, lớn lên theo những điệu hát Then, tiếng đàn tính nên ngày từ bé bà đã mê và theo học đàn tính từ những cô chú trong làng. Bà thuộc các nốt nhạc, lời Then và sử dụng thành thạo đàn tính từ khi mới 15 tuổi. Nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng điệu đàn tính, giọng hát Then đặc trưng người dân tộc Tày của bà vẫn trong trẻo ngọt ngào. Mỗi khi trong làng, trong xã có việc, hay tại những lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc tổ chức ở huyện Cư M’gar hay huyện Krông Năng vào tháng giêng hằng năm, người ta lại thấy bà Mén cất cao lời hát của mình. Với ông Lương Xuân Khoa ở thôn 5, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) thì không chỉ đam mê những điệu Then Tày mà ông còn tự tay chế ra những cây đàn tính mang đậm bản sắc dân tộc Tày. Ông sinh ra ở vùng quê Nà Bon, xã Đại Tiến, huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng); năm 1991, gia đình ông đi xây dựng kinh tế mới ở Dak Lak. Trên vùng đất mới, cùng nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ những điệu hát Then, tiếng đàn tính lại da diết hơn. Thế nên ông đã bắt tay vào việc chế tạo đàn tính và ôn lại việc đàn hát. Chỉ những lúc rảnh rỗi ông mới tranh thủ làm đàn, nhưng với đam mê cháy bỏng của mình, đến nay ông đã chế thành công hơn 30 cây đàn tính để phục vụ cho sở thích đàn hát của quần chúng, đặc biệt là thế hệ người cao tuổi yêu mến điệu Then. “Tiếng lành đồn xa”, ban đầu chỉ người cao tuổi trên địa bàn xã Tân Hòa tìm đến ông nhờ làm đàn tính, nhưng sau đó tiếng tăm làm đàn của ông đã lan rộng và nhiều người mê đàn tính đã tìm đến ông Khoa đặt làm đàn. Không chỉ những người lớn tuổi, điều đáng mừng là rất nhiều bạn trẻ người Tày hiện cũng rất có ý thức gìn giữ văn hóa Then-tính của dân tộc mình. Tại xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, Hoàng Thị Hà là người khá thành công trong việc thể hiện cái hồn của văn hóa Then-tính. Tuy mới 19 tuổi, nhưng làn điệu Then Tày qua tiếng hát của Hà đã khá nổi tiếng trong những hội diễn nghệ thuật quần chúng.

Hát Then, đàn tính tại một hội thi văn nghệ quần chúng tại Dak Lak
Hát Then trong một hội thi văn nghệ quần chúng tại Dak Lak

Với bản tính cần cù cộng với sự trù phú của mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ, đời sống của bà con các dân tộc phía Bắc tại Dak Lak đang ngày càng sung túc hơn. Cộng đồng các dân tộc phía Bắc nói chung, dân tộc Tày nói riêng không chỉ chung tay xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp mà còn góp phần không nhỏ tạo nên sự đa dạng văn hóa cho vùng đất này. Một mùa Xuân mới nữa đang đến với bà con dân tộc Tày cũng là lúc tiếng hát Then, điệu đàn tính được cất lên, vang vọng khắp núi rừng.

Phương Nam

 


Ý kiến bạn đọc