Multimedia Đọc Báo in

Gửi niềm đam mê vào đường chỉ, mũi len

21:02, 12/02/2013

Gặp chị, không hẳn chỉ là người miệt mài với nghề móc len mà còn là vì cảm xúc, niềm đam mê theo từng sợi chỉ, thôi thúc chị theo với nghề. Ngày qua ngày, người phụ nữ có đôi tay tài hoa ấy vẫn lặng lẽ tìm kiếm nguồn sáng tạo giữa những mối len, để chúng không bị mai một trước cuộc sống…

“Lửa” nghề

 Trong ngôi nhà nhỏ ở con hẻm Trần Văn Phụ (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), trước “núi” đồ len đủ kiểu, đủ chủng loại, từ áo ấm người lớn cho đến chiếc váy trẻ em đáng yêu, rực rỡ sắc màu, cả khăn, nón đến chiếc vòng tay xinh xắn…, nhiều người dễ bị cuốn theo những sản phẩm len móc tay của chị. Nói về cái duyên khiến chị theo đuổi nghề này, chị thoảng cười: “Chỉ là tìm lại ước mơ ngày xưa còn bỏ ngỏ…”.

Không qua trường lớp nào, chỉ với niềm đam mê, chị Nguyễn Thị Hoa Dung (sinh năm 1972) đã mày mò, tự học và đến với nghề móc len… theo cách của một người làm nghệ thuật sáng tạo thực thụ! Mê với những sợi len từ nhỏ, lớn lên chị theo đuổi ước mơ làm thế nào các sản phẩm làm ra từ len cũng đa dạng, nhiều mẫu mã và bền như những sản phẩm may mặc được tạo ra từ các chất liệu khác. Nghĩ là làm, chị tự mày mò thực hành, học thêm nhiều kiểu móc để tạo nên các họa tiết, đường nét trang trí cho sản phẩm thêm sống động. “Chẳng biết có bao nhiêu chiếc áo làm xong rồi lại tháo ra móc lại vì thấy chưa thật sự hài lòng”- chị nhớ lại. Dồn hết công sức vào từng múi len, rồi những sản phẩm đầu tay cũng chờ ngày ra đời. Đó chỉ là chiếc mũ, khăn choàng cổ, áo khoác…, nhưng chị làm ra mà không “dám” bán, chỉ để cho mình mặc thử ra đường và… chú tâm nghe ngóng xem có ai khen, chê gì không? Một buổi sáng không ngờ, chị bước ra chợ, nhiều người trầm trồ hỏi thăm và những “đơn đặt hàng” đầu tiên tìm đến với chị. Vốn khéo tay, các loại váy, áo dành cho cả người lớn và trẻ em do chị làm ra nhanh chóng trở nên hút hàng. “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến chị ngày một nhiều. Căn nhà nhỏ không một biển hiệu quảng cáo, nhưng lại đón thêm nhiều lượt khách ra vào…

Không chỉ dừng lại ở đó, xa hơn, chị nghĩ về khả năng ứng dụng để sản phẩm len móc trở nên phổ biến”. “Nghĩ thì đơn giản nhưng thiết kế sao cho hài hòa và có tính thẩm mỹ lại là cả một quá trình”- chị tâm sự. Thông qua bàn tay khéo léo, len sợi không chỉ dùng trong sản phẩm may mặc mà còn ứng dụng để “vá” những chiếc túi xách bị hỏng và làm nên những giỏ hoa len đầy màu sắc mà không máy móc nào làm nổi.

Làm “sống” lại nghề len

Chỉ bằng một vài mũi móc đơn giản, những sợi len, chỉ nhiều màu đã dần liên kết lại với nhau theo đôi tay múa lượn thoăn thoắt, thuần thục của chị. Chiếc áo khoác, khăn len, mũ len, đặc biệt những chiếc váy liền thân duyên dáng, điệu đà là những thứ mà ai nhìn vào cũng không ngờ rằng sao mặt hàng len lại phong phú đến vậy, và muốn sở hữu ngay, kể cả bà con Việt kiều có dịp về nước cũng muốn mang theo như một chút kỷ niệm của quê hương. Để làm ra những sản phẩm như thế là cả một kỳ công, là sự kết hợp hài hòa của các kiểu móc: xích, cánh sò, chữ Y, lưới, đăng ten… và gửi vào đó cả niềm say mê sáng tạo không bao giờ biết mệt mỏi của người thợ. Chị cho biết: nghề này đơn giản chỉ cần cuộn len, chỉ, dụng cụ móc là đã có thể bước vào nghề, nhưng để duy trì được nghề thì đòi hỏi người thợ phải có khiếu thẩm mỹ, sự tỉ mỉ và tính sáng tạo. Yếu tố làm nên sản phẩm không chỉ là sự khéo léo mà còn phải biết cách phối màu sắc hài hòa, làm nên cái trẻ trung, tinh tế bảo đảm độ tinh xảo trong từng chi tiết. Ví như một chiếc áo được khoác lên người, những gam màu sáng tạo nên cái vẻ tươi tắn, còn gam tối thì có giá trị đem lại khoảng lặng cho những người muốn tìm về nét cổ và dễ làm người ta chìm vào suy tưởng trong những cơn gió se lạnh của trời đông…

Bàn tay đưa móc thoăn thoắt, mềm mại từng mũi khâu, thẳng đều từng hàng len, chị tiếp lời: may thì đơn giản, các mối nối có thể kết lại với nhau chỉ bằng một đường kim chạy qua, nhưng móc thì lại không cho phép làm như thế. Chẳng hạn: với một chiếc áo, nếu xuất hiện mối nối giữa thân trước và thân sau sẽ làm cho sản phẩm dễ bị tháo rời, chảy xệ sau nhiều lần giặt, hơn nữa, điều này khiến sản phẩm không có độ tinh tế và thiếu thẩm mỹ. Do đó, cái tài của người thợ là phải “canh” múi khâu nào ra hoặc vào, khi nào thì bớt múi, lúc nào nên “phăng” ra để sản phẩm làm ra có độ vừa vặn nhất định mà không hề bị “phô”. Đối với những chỗ bắt buộc phải nối, người thợ khéo léo sẽ biết cách làm sao để các múi nối của sợi móc đều được giấu kín, khi nhìn vào thấy thẳng tắp những múi khâu rất “ngọt” và không hề thấy vết nối. Trong lúc móc, người thợ lành nghề cũng phải biết cách trang trí sao cho tinh tế bằng cách móc các kiểu hoa, lá trực tiếp lên sản phẩm với nhiều sắc khác nhau, tạo điểm nhấn và tôn lên vẻ đẹp mềm mại cho từng đường nét.

Đến bây giờ, chị chẳng còn nhớ mình đã làm ra bao nhiêu chiếc váy, áo, nón, “tô điểm” cho bao nhiêu chiếc túi xách xinh xắn, được bao nhiêu người khoác lên mình ở mùa đông trong nước hay len lỏi có mặt tận xứ lạnh của nước bạn; chỉ biết rằng tất cả đều do chị sáng tạo ra mẫu mã, thiết kế len, mỗi sản phẩm là một vẻ riêng, chẳng cái nào giống với cái nào. “Nghề này tuy làm thủ công nhưng chẳng khác nào một nghệ sĩ đòi hỏi phải sáng tạo không ngừng. Có những lúc nửa đêm chợt nghĩ ra mẫu mới, vội bật dậy ngồi làm đến tận sáng”- chị nói vui.

Giữa cái ồn ào, tấp nập của thành phố trẻ đang mùa se lạnh để chuẩn bị đón những ngọn gió lành đầu xuân, đã có thêm nhiều đơn đặt hàng, trong ngôi nhà nhỏ, chị lại lặng lẽ ngồi đó gửi đam mê vào từng mối len. Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ cho cuộc sống mà còn mang giá trị nghệ thuật cao cho một nghề tưởng chỉ còn là hoài cổ. Với những người gắn bó với len lâu năm như chị, móc len được xem như một niềm say mê thật sự. Mỗi sản phẩm làm ra là một công trình đầy tính sáng tạo, tạo thêm những sắc màu cho cuộc sống thêm duyên dáng, tươi tắn hơn…

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc