Có một “bảo tàng” chưa được đánh thức (!)
Sở dĩ phải để hai chữ bảo tàng trong ngoặc kép, bởi hơn 3000 hiện vật ở đây chưa được đưa ra trưng bày đúng với quy cách mỹ thuật chuyên ngành để người thưởng lãm có điều kiện cảm nhận và hiểu biết thêm về đời sống văn hóa-lịch sử của các tộc người bản địa. Còn gọi đó là một bảo tàng cũng không ngoa, bởi nhìn vào số lượng hiện vật phong phú, đa dạng được chủ nhân của nó sưu tầm, chắt lọc từ hơn 30 năm qua mới thấy thật sự xứng đáng. Song, có điều khiến tôi day dứt mãi là dường như “bảo tàng” này đang ngủ quên và đang chờ người đánh thức (!)
Vẫn là dự định...
Trong câu chuyện với vợ chồng bà Ngô Thị Kim Cúc - người sở hữu số hiện vật trên (tại số nhà 56 Phạm Hồng Thái - TP Buôn Ma Thuột), tôi mới biết họ nặng lòng với vốn văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đến vậy! Đôi vợ chồng này có kế hoạch cụ thể để hình thành bảo tàng cho riêng mình từ vài năm qua. Trước hết, bà Cúc phân loại hơn 3000 hiện vật sưu tầm được thành nhiều dòng: nhạc cụ, trang phục, dụng cụ lao động, vật dụng sinh hoạt, phương tiện săn bắt và ẩm thực… Sau đó, tùy vào điều kiện và không gian sống của mỗi sắc dân (Êđê, M’nông, Ja rai, Xê đăng) để thiết kế kiến trúc, mỹ thuật cho phù hợp và chân thật nhằm giới thiệu từng dòng hiện vật đến với người xem.
Chiêng ché và trống cổ được cất giữ và bảo quản dưới hiên nhà, mái che tạm bợ. |
Bà Cúc cho biết: ý tưởng hình thành bảo tàng không chỉ để bảo tồn các giá trị văn hóa người bản địa, mà còn biến những giá trị văn hóa ấy thành những sản phẩm du lịch độc đáo và đặc thù nhằm phục vụ nhu cầu khám phá của du khách khi đến đây. Chẳng hạn như trang phục, bên cạnh những váy, áo, khố, khăn choàng, tấm đắp… được trưng bày, giới thiệu, chủ nhân của bảo tàng còn dự định trồng cả vườn bông cùng những loại cây - lá rừng dùng làm thuốc nhuộm sợi để giúp du khách tìm hiểu và trải nghiệm với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào. Tất nhiên, để có một sản phẩm ưng ý làm kỷ niệm, du khách được các nghệ nhân ở đây hướng dẫn cách xe bông, nhuộm sợi và tự tay dệt nên món quà cho mình theo cảm xúc nhận được. Hoặc giả ẩm thực cũng vậy: thích uống rượu cần, ăn cơm lam, cà đắng, đọt mây… người thưởng lãm tự tay làm lấy dưới sự giúp đỡ của những người thành thạo. Bà Cúc cho rằng, cái hay ở đây là mọi vật dụng để đáp ứng nhu cầu của du khách (trang phục, cũng như ẩm thực) đều có sẵn trong bảo tàng dưới dạng hiện vật trưng bày, được con người và cộng đồng sở hữu nó làm sống lại một cách chân thực và sinh động trong đời sống rất thực, chứ không “chết” theo nghĩa bảo tồn! Rõ ràng, ý tưởng kết hợp du lịch với bảo tồn, bảo tàng để phát huy các giá trị văn hóa hàm chứa trong đó là đường hướng khả thi và phù hợp với xu thế hiện nay. Ý tưởng ấy, theo vợ chồng bà Cúc tâm sự là được rất nhiều người ủng hộ, nhất là bạn bè của họ. Ví như kiến trúc sư danh tiếng Hoàng Đạo Kính-Ủy viên Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bà Lê Thị Minh Lý - Cục phó Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) đã từng xem qua các bộ sưu tập hiện vật của bà Cúc và họ sẵn sàng hợp tác để biến ý tưởng trên thành hiện thực. Tiếc rằng đến nay, điều đó cũng vẫn chỉ là… dự định!
Ché cổ “Mẹ bồng con” là cổ vật có giá trị. |
Qua tìm hiểu, mới hay không phải vì lý do chuyên môn, hay năng lực tài chính… mà do mặt bằng - nơi vợ chồng bà Cúc dự định xây dựng bảo tàng tư nhân đầu tiên trên cao nguyên này (thuộc khối 9 - đường Trần Qúy Cáp - Buôn Ma Thuột) bị thu hồi để xây dựng công trình công cộng. Thế là bao năm tích cóp, nỗ lực sưu tầm từng mẫu hiện vật với ước mơ mở ra một bảo tàng và xa hơn là một “điểm đến” nhằm phục vụ công chúng, trở nên gập gềnh và nan giải.
Xót xa cổ vật
Nhìn hàng nghìn hiện vật, trong đó có khá nhiều cổ vật (trống, chiêng, ché, đồ gốm và các loại vòng trang sức bằng đồng, đá, sừng, ngà…) chất đầy trong kho, ngoài hiên nhà và mái che tạm bợ, khiến bất kỳ ai cũng cảm thấy xót xa. Chủ nhân của những hiện vật đáng giá này chia sẻ: hơn 30 năm làm trong ngành bảo tàng và đã từng chứng kiến bao nỗi thăng trầm, mất mát vốn văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên, bà đã dốc hết hầu bao để mua và giữ lại những gì có thể cho sau này. Đơn giản thì chỉ để phục vụ công tác nghiên cứu khi cần; sâu xa hơn thì gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các cộng đồng người bản địa đang trên đà phai lạt, thậm chí “chảy máu” vốn di sản của ông bà họ để lại.
Còn di sản và còn ý thức gìn giữ nó (cho dù dưới dạng vật chất nào), có nghĩa là dòng chảy văn hóa-lịch sử của mỗi tộc người ở đây không đứt gãy và biến mất khỏi đời sống hôm nay cũng như mai sau. Nghĩ vậy nên vợ chồng bà Cúc cố gắng giữ lại số hiện vật đang có theo cách của mình: xếp trong kho, che đậy dưới mái hiên và mang đi gửi tại những nơi thân quen, gần gũi… chứ nhất định không chịu sang lại, hoặc bán mua cho ai. Trong một lần trò chuyện với TS Lương Thanh Sơn - Giám đốc Bảo tàng Dak Lak, tôi mới thấm thía với câu nói: “Cuộc chơi” này, (ý chỉ những người mê sưu tầm, nghiên cứu văn hóa) như con dao hai lưỡi, nếu gặp cơ may để thực hiện mong mỏi của mình (như chị Cúc chẳng hạn) thì xem như có công, ngược lại vì một lý do bức bách, thậm chí bất khả kháng nào đó mà ý nguyện không thành, đem bán đi… thì trở thành kẻ có tội. Cái tội ở đây được hiểu theo nghĩa cơ hội, kinh doanh đồ cổ, vô tình góp tay cho vấn nạn “chảy máu” vốn văn hóa Tây Nguyên - là mối quan tâm nhất hiện nay. Nếu được những ai quan tâm, tạo điều kiện thì bảo tàng của họ sẽ ra đời với ý thức và động cơ tích cực; bằng không thì như một tất yếu - đến một lúc nào đó, do tác động từ nhiều phía: hoàn cảnh sống của gia đình và cả sự hủy hoại của thời gian… khiến “bảo tàng” kia không còn ai nhắc đến nữa.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc