Di sản của Vua voi
Vua voi Ama Kông. |
Di sản đầu tiên phải kể đến đó là những huyền thoại xung quanh cuộc đời, “sự nghiệp” săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của ông: Ama Kông được tôn vinh "Vua voi", "Dũng sĩ săn voi" ở Buôn Đôn. Ông là người kế nghiệp, “nối ngôi” Vua voi Y Thu – Khunjunôp - người đã từng bắt được 440 con voi. Trong sự nghiệp lừng danh của mình, Ama Kông đã săn bắt được gần 300 con voi, chỉ đứng sau Khunjunôp một bậc. Ama Kông là bậc thầy của các gru (dũng sĩ) săn voi, đã tích lũy và truyền những kinh nghiệm săn bắt và thuần dưỡng voi cho những thợ trẻ buôn làng. Sau khi Nhà nước cấm săn voi rừng, thực hiện chính sách bảo tồn voi thì Ama Kông và các gru ở Buôn Đôn chuyên tâm vào những chú voi nhà, chăm sóc voi để chúng phục vụ cuộc sống cộng đồng. Voi Buôn Đôn được huy động để làm du lịch và tham gia các lễ hội của buôn làng và của tỉnh. Những Hội voi, đua voi trước đây đều có sự tham dự của Ama Kông. Ông là linh hồn của những ngày hội voi.
Lăng mộ Vua voi Ama Kông. |
Di sản nghệ thuật dân gian mà Ama Kông tích lũy cũng được lưu lại và phát huy. Sinh thời, mỗi khi Buôn Đôn vào hội voi, Ama Kông xuất hiện với dáng người quắc thước, nhanh nhẹn, đi đứng trước đoàn voi như vị thủ lĩnh oai phong bên cạnh những dũng sĩ săn voi. Bộ trang phục Êđê với chiếc khố dài, áo “đại bàng dang cánh”, chiếc khăn đỏ quấn trên đầu và chiếc tù và trên tay... tạo nên cốt cách, ngoại hình đặc trưng của Ama Kông. Những bài bản, hiệu lệnh săn voi được ẩn giấu trong chiếc tù và. Chính Ama Kông lại là người thổi tù và với âm điệu hay nhất vì ông đã dùng nó trong suốt những cuộc săn voi và cùng với các gru khác lập nên những công trạng để đời - hình thành nên xứ sở săn bắt thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng. May mắn thay, âm điệu của tù và thăm thẳm đại ngàn từ Ama Kông không mất đi mà đã kịp truyền lại cho một số người, trong đó có NSƯT Vũ Lân.
“Vua voi” Ama Kông trong trang phục lễ hội và chiếc tù và, tay cầm kreo, đứng trước đầu voi hay đang cưỡi trên lưng voi... luôn được các nhà nhiếp ảnh say mê thu vào ống kính của mình. Nhân vật Ama Kông đầy hấp lực, đầy cảm xúc để hình thành nên tác phẩm nghệ thuật mang đậm sắc thái Tây Nguyên. Ông là ân nhân của nhiều nghệ sĩ bởi nụ cười, ánh mắt, động tác của lão dũng sĩ này đã cho họ những khoảnh khắc đẹp, làm nên tác phẩm nghệ thuật, mang về nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá. Không có nhà nhiếp ảnh nào gắn bó với Tây Nguyên mà không có tác phẩm ưng ý về “Vua voi” Ama Kông. Chân dung của ông xuất hiện tại các cuộc thi, triển lãm ảnh, phóng sự ảnh và trong các tập sách ảnh. Những nhà làm phim tư liệu về văn hoá, voi Tây Nguyên cũng thu vào ống kính của mình những thước phim về dũng sĩ săn voi Ama Kông.
Năm 1992, Vườn Quốc gia Yok Đôn được thành lập, “Vua voi” Ama Kông được lãnh đạo Vườn mời về làm... hướng dẫn viên du lịch. Hằng ngày ông “Vua voi” ngự giữa căn nhà sàn, đóng khố, mặc áo thổ cẩm, kể cho khách đến thăm Vườn nghe chuyện săn voi. Chuyện về các dũng sĩ săn voi luôn lôi cuốn, hấp dẫn chúng ta bởi trong ấy luôn ẩn chứa đầy ắp sắc màu huyền thoại, hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên. Không gì thú vị bằng khi đến tham quan Buôn Đôn, ta được nghe chính gru săn voi như Ama Kông kể lại hành trình săn bắt voi rừng, một công việc đầy hứng thú của các chàng trai Tây Nguyên. Ngày nay, khi mà các gru không còn hành nghề săn voi nữa, vào dịp lễ hội ta được thấy họ diễn lại những động tác, công việc săn voi rừng nhộn vui, hùng tráng một thời.
Ama Kông còn là biểu tượng của sinh lực, cường tráng như sức vóc của dũng sĩ Tây Nguyên. Sức khỏe tràn đầy mới cho ông đủ sinh lực chinh phục suối sâu rừng thẳm để theo dấu voi rừng, làm rung động biết bao trái tim của người đẹp buôn làng, mới lấy nhiều vợ, sinh nhiều con... Từ những bài thuốc chữa bệnh cho voi, Ama Kông thấy chúng cũng có công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe đối với con người và đúc kết thành bài thuốc đặc biệt mang tên ông. Ama Kông cũng đã kịp truyền lại phương thuốc dân gian cho con cháu mình ở Buôn Đôn. Mặc dù không còn ông trên đời này nữa nhưng con cháu mãi mang ơn sâu nặng vì ông đã kịp truyền lại phương thuốc dân gian. Nay họ không vào rừng để săn voi, bắt thú, chặt gỗ mà vào rừng khai thác cây thuốc quý mang về chế biến bán cho du khách. Bài thuốc Ama Kông là sản phẩm mới vừa tạo nên sức hấp dẫn cho Khu du lịch Buôn Đôn vừa giúp bà con có thêm thu nhập. Ngôi nhà sàn cổ lưu dấu di sản của Khunjunốp, nay đã thêm vào những di sản mới của vua voi Ama Kông. Bên cạnh những hiện vật, hình ảnh “vang bóng một thời” trong nhà, ngoài sân luôn thơm nồng mùi cây lá, người ra vào tấp nập. Mỗi gói thuốc T’Klơng Mlêng gắn liền với “người mẫu” Ama Kông giá vài chục ngàn đồng và luôn bán đắt như tôm tươi...Người con trai thứ tên là Khăm Phết Lào, được Ama Kông đặc biệt yêu mến đã được ông dạy cho biết bài thuốc bí truyền đầu tiên. Đặc sản Buôn Đôn mà du khách mang về không thiếu gói thuốc mang nhãn hiệu gắn với tên ông.
Như để đáp đền công ơn và tôn vinh vua voi, con cháu và người dân địa phương đã đầu tư xây dựng một lăng mộ với kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc khá đặc sắc. Di sản vật thể này thật đáng giá, “xứng danh” với công trạng của ông. Bên cạnh mộ ông còn có nhiều ngôi mộ của những gru trong làng - những người cùng “Vua voi” làm nên Buôn Đôn nổi tiếng. Ông về với thần linh, với Yàng, hóa thân vào cõi tâm linh và sẽ hiển linh trong mỗi mùa lễ hội để phù hộ dân làng có cuộc sống yên vui, no ấm, tươi đẹp. Khu lăng mộ của các vua voi, trong đó có nơi yên nghỉ của Ama Kông cũng là một địa chỉ du lịch. Du khách đến Buôn Đôn không quên ghé lại nơi đây để viếng thăm, ngắm xem kiến trúc nhà mồ, nghệ thuật điêu khắc mang bản sắc riêng của Tây Nguyên.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc