Multimedia Đọc Báo in

Người níu giữ hồn chiêng

15:40, 16/08/2014
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về đánh cồng chiêng, ngay từ nhỏ, già Y Khot Êban (tên thường gọi là Ama Ngặm, ở buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đã đắm mình trong những giai điệu cồng chiêng âm vang trong các lễ hội văn hóa truyền thống như lễ ăn trâu mừng mùa, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới… của buôn mình.
 
Tiếng cồng chiêng cứ thế thấm sâu vào máu thịt của già. “Càng nghe mình càng yêu quý cồng chiêng và mong muốn một ngày nào đó sẽ tự mình đánh được những bài chiêng quen thuộc của đồng bào mình”, với suy nghĩ đó chàng thanh niên Y Khot Êban khi ấy quyết tâm học đánh chiêng và đến năm 16 tuổi đã biết đánh chiêng một cách thành thạo, rồi trở thành một trong những thành viên đội chiêng của buôn.

Trong suốt quá trình sử dụng, những chiếc chiêng của gia đình già Y Khot Êban và các thành viên trong đội cồng chiêng của buôn không tránh khỏi bị hư hỏng. Mỗi lần như vậy, già cùng mọi người phải rất khó khăn mới tìm được người biết sửa chiêng, chỉnh chiêng. Để khắc phục khó khăn này, già quyết tâm học cách chỉnh chiêng. Già Y Khot Êban bày tỏ: “Chỉnh chiêng không dễ như đánh chiêng. Không phải ai đánh chiêng giỏi cũng có thế chỉnh chiêng được, mà đòi hỏi người chỉnh chiêng phải có đôi tay khéo léo và đôi tai có khả năng thẩm âm tốt. Có lẽ mình may mắn khi được Giàng ban tặng cho đôi tai có khả năng thẩm âm để có thể “bắt bệnh” cho chiêng được…”.

Dụng cụ chỉnh chiêng của già Y Khot Êban khá đơn giản, đó chỉ là một chiếc búa nhỏ bằng sắt. Mỗi khi “bắt bệnh” cho chiêng già lại dùng chiếc búa để dò. Cũng có khi già phải “mất ăn mất ngủ” đối với những “ca bệnh khó”, nhưng ít có trường hợp nào già không chữa được chiếc chiêng bị “bệnh”. Trong những năm qua, không chỉ có bà con trong xã mà cả trong và ngoài huyện đã tìm đến để nhờ già chỉnh chiêng. Với già công việc chỉnh chiêng không phải là một nghề để kiếm sống mà đây là niềm đam mê với tiếng chiêng và mong muốn lưu giữ nét văn hóa này. Trong những năm qua, già luôn khuyến khích các con của mình học đánh chiêng và chỉnh chiêng. Già tâm sự: “Hiện nay, đa số lớp trẻ không mặn mà lắm với cồng chiêng nhưng các con của mình vẫn đam mê với cồng chiêng, đặc biệt, người con trai đầu là Y Ngặm Êban không chỉ say mê đánh cồng chiêng mà còn thích nghề chỉnh chiêng giống mình”. Già tin rằng, anh Y Ngặm Êban sẽ là người kế nghiệp sau này, để góp phần đưa văn hóa cồng chiêng như mạch nguồn chảy mãi…

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.