Multimedia Đọc Báo in

Về bộ chữ viết của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên

21:05, 10/08/2014
Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà dân tộc học, các dân tộc bản địa ở Dak Lak thuộc hai hệ ngôn ngữ: Môn-Khơme và Nam đảo.
 
Cư dân thuộc ngôn ngữ Môn-Khơme có: M’nông, Bana, Xê Đăng, Hrê, Co, Bru-Vân Kiều, Giẻ Triêng, Cơ Ho, Mạ, Chơ Ro, Khơme… Cư dân thuộc ngôn ngữ Nam đảo có: Êđê, Giarai, Chăm, Chu Ru, Ra Glai… Riêng chữ viết của các dân tộc bản địa ở Dak Lak: Êđê, M’nông, Gia Rai đã được ra đời vào trước những năm 20 của thế kỷ 20, do các nhà truyền giáo của người Pháp đã dựa vào bộ chữ La tinh để xây dựng nên chữ viết của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Bộ chữ của người Êđê được hình thành do công lao đóng góp vô cùng quan trọng của hai nhà giáo, trí thức dân tộc Êđê là Y Jút H’Wing (1885-1934) và Y Út Niê Buôn Rít (1891-1961) đã dựa vào hệ thống chữ cái La tinh và kế thừa thành tựu của một số cố đạo nước ngoài khi xây dựng chữ viết Bana, Giarai và hệ thống quy tắc chữ Quốc ngữ (nhất là quy tắc ghi vần) để xây dựng chữ viết Êđê. Từ năm 1923-1925 hai nhà giáo, trí thức Y Jút H’Wing và Y Út Niê Buôn Rít mới xây dựng xong bộ chữ viết Êđê. Năm 1935, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành Nghị định công nhận bộ chữ Êđê bằng mẫu tự La tinh và cho phép sử dụng rộng rãi ở vùng người Êđê cư trú. Đây là một bộ chữ khá hoàn hảo, cho đến nay bộ chữ này vẫn đứng vững mà không cần có những cải tiến quan trọng.

Tiếng Êđê được đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông ở những địa phương có đông đồng bào thiểu số tại chỗ. (Ảnh minh họa).
Tiếng Êđê được đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông ở những địa phương có đông đồng bào thiểu số tại chỗ. (Ảnh minh họa).

Chữ viết của người M’nông, được Viện Ngữ học Mùa Hè của Mỹ xây dựng nên vào những năm 70 của thế kỷ 20. Từ năm 1984-1986, Bộ môn Ngôn ngữ học, khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu đề xuất một bộ chữ viết M’nông trên cơ sở phương ngữ M’nông Preh, M’nông Rlâm. Gần đây nhóm nghiên cứu ngôn ngữ học của Viện Khoa học Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh (nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ) lại nghiên cứu đề xuất một phương án chữ viết M’nông mới và được nghiệm thu vào năm 2007. Đến năm 2008, UBND tỉnh Dak Nông đã ban hành Quyết định số 145/ QĐ-CT UBND về việc “Ban hành và đưa vào sử dụng hệ thống chữ viết M’nông (Preh)”. Ngày 27-6-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BGDĐT về việc “Ban hành chương trình tiếng M’nông cấp tiểu học” cho con em đồng bào M’nông ở Tây Nguyên.

Chữ viết của người Giarai là bộ chữ viết La tinh được dựa trên bộ chữ Bana, do các giáo sĩ người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi truyền đạo vào Tây Nguyên đã xây dựng nên bộ chữ Giarai từ những năm đầu của thế kỷ 20 và được sử dụng rộng rãi trong vùng cư trú của người Giarai. Đến năm 1981, UBND tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-UB ngày 28-10-1981 về việc “Công bố bộ chữ cái biên soạn chữ các dân tộc”, đã thay đổi bộ chữ viết truyền thống của người Giarai. Qua sử dụng một thời gian thấy không hợp lý, ngày 28-10-2011, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 30/2011/QĐ về việc “Công bố bộ chữ cái và hệ thống âm, vần tiếng Giarai; bộ chữ cái và hệ thống âm, vần tiếng Bana” trở lại với bộ chữ truyền thống trước đây của người Giarai và Bana.

Từ ngày giải phóng đến nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới của đất nước, việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Đáng chú ý là Chương trình “Nghiên cứu tiếng M’nông (1984-1986)” của bộ môn Ngôn ngữ học - Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh; Chương trình “Nghiên cứu biên soạn bộ sách công cụ tiếng Êđê” do Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thực hiện (trong Chương trình này Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã biên soạn thành công bộ sách dạy học tiếng Êđê và sách học tiếng Êđê (1988-2004); xuất bản “Từ điển Việt - Êđê” (1993); “Từ điển Êđê - Việt” (2011); “Từ điển M’nông - Việt (1994); “Từ điển Việt - M’nông” (2006))… Những công trình với nhiều ý nghĩa thiết thực đã góp phần bảo tồn, phát huy có hiệu quả ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc bản địa Dak Lak trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.