Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc vũ điệu dâng lễ của người Chăm

20:46, 16/01/2015
Dân tộc Chăm từ ngàn xưa đã sáng tạo nên nhiều kiệt tác điêu khắc, kiến trúc tháp cổ, các hoa văn trên tấm vải dệt thổ cẩm, hoặc kỹ thuật chế tác đồ gốm và các vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày…
 
Nghệ thuật truyền thống luôn được người Chăm nuôi dưỡng, trân trọng và liên tục truyền đời; trong đó nhiều lễ hội truyền thống như Ka Tê, Ramưwan... vẫn còn được bảo lưu, gìn giữ. Nét đặc sắc trong lễ hội Chăm là các loại hình diễn xướng dân gian như múa hát, trình diễn các sắc phục, đặc biệt là điệu múa dâng lễ vật lên các vị thần linh. Đặc trưng của vũ điệu này là những vũ nữ Chăm thường đội trên đầu những hoa trái để dâng mừng, vừa trang nghiêm vừa tràn đầy tính biểu cảm thẩm mỹ, nghệ thuật.
Vũ điệu dâng lễ trong Lễ hội Ka Tê
Vũ điệu dâng lễ trong Lễ hội Ka Tê.

Truyền thống đội đồ vật trên đầu đã có từ rất lâu ở người Chăm lẫn người Việt. Ở các vùng quê miền Bắc, các bà, các chị đội thúng, mủng, bó củi (nhỏ, nhẹ), bó khoai lang, bó lúa... trên đầu khi vận chuyển, hoặc đưa ra chợ bán. Đội vật nặng đã khó, nhưng đội mủng nhẹ càng khó hơn, vì nó dễ chao đảo. Trước đây, người ta chủ yếu là đi bộ. Họ đi thành từng nhóm người, đội thúng mủng trên đầu, những người đội giỏi không cần dùng tay giữ. Họ đi rất uyển chuyển, tay vung nhịp nhàng, vừa chuyện trò rôm rả vừa đi rất nhanh, trẻ con phải chạy lon ton mới theo kịp. Khi đi giỗ, mâm cỗ đương nhiên phải đội trên đầu, người trẻ tuổi đội mâm cỗ, các bậc cao niên đi cùng. Hiện nay, trong khi người Việt hầu như không ai biết đội nữa thì ở người Chăm, truyền thống đội đầu vẫn còn rất phổ biến. Bình nước hay mâm lễ vật nói chung là vật tương đối nhẹ, nhưng khi để trên đầu lúc di chuyền cần một sự khéo léo, uyển chuyển để giữ thăng bằng. Chỉ ở người phụ nữ Chăm mới có được kỹ năng này. Dưới góc độ kỹ thuật học khảo cổ, những động tác như đội, mang vác, gánh... là kỹ thuật cơ thể của cá nhân nhưng mang đặc điểm của cộng đồng. Kỹ thuật này thường nhằm thích nghi, đáp ứng yêu cầu của môi trường sống. Ở vùng người Chăm là môi trường biển nhiều gió cát.

Bình gốm như một món trang sức của thiếu nữ Chăm
Bình gốm như một món trang sức của thiếu nữ Chăm.

Đối với người Chăm, nước và mâm lễ vật là những thứ rất quý, là thứ luôn cần trong sạch, linh thiêng, nên họ tôn trọng để trên cao chứ không xách hay để thấp ngang người. Phụ nữ Chăm cũng thường đội những chiếc thúng nhỏ đựng đồ, không nặng lắm, để đôi tay có thể cầm xách thêm vật khác. Khi đi trên đồi cát thì hai tay tự do hay cơ thể thăng bằng không bị nghiêng lệch vì vật nặng thì sẽ đi nhanh hơn… Từ công việc lao động thường nhật, tập quán đội đầu đã đi vào nghệ thuật diễn xướng trong các lễ hội của người Chăm. Lễ rước y trang từ đồng bào Rak Glay về làng Chăm Hữu Phước trong Lễ hội Ka Tê, những người phụ nữ thường đội những lễ vật đựng trong giỏ lát, có trang trí hoa văn. Đặc biệt, trong các dịp lễ tết, người phụ nữ Chăm xếp thành hàng ngay sau đội hình của các vị sư cả, đầu đội lễ vật nghiêm trang, nhẹ nhàng nhịp bước lên các ngôi đền tháp nằm trên các quả đồi cao. Mâm lễ vật là nước, hoa trái, xôi bánh, trầu cau… được xếp thành tầng bậc, tạo hình cân đối như một tác phẩm nghệ thuật. Khi đội trên đầu tạo thành vật trang sức làm tăng nét duyên dáng, đoan trang cho người phụ nữ Chăm.

Trong lễ hội Chăm, vũ điệu dâng lễ là nghi thức khá quan trọng và thiêng liêng. Các cô gái múa trước cửa tháp, trên đầu đội những lễ vật, hai tay cầm quạt xòe ra gập vào điệu nghệ, hoặc hai tay nắm nhẹ hai đầu chiếc khăn được khoác qua đôi vai thể hiện các động tác múa một cách uyển chuyển. Những nghi lễ diễn ra tại đền tháp vào ban đêm thường được gắn thêm vào giữa các đồ vật đội đầu một cây nến lớn. Ngọn nến được thắp sáng lung linh, huyền ảo, tạo nên khung cảnh rất linh thiêng, huyền bí trong vũ điệu dâng lễ.

Không chỉ đội lễ vật trên đầu để đi lại, múa hát mà người Chăm còn tổ chức thi thố về tài đội đồ vật của mình. Trò chơi thi đội nước, đội bình gốm thường được tổ chức trong các lễ hội. Đây là hình thức vui chơi khá hấp dẫn, lôi cuốn mà các cô gái trẻ người Chăm mang đến cho du khách trong các dịp lễ hội.

Cùng với trang phục, tập quán đội đầu vừa là cách vận chuyển đồ vật vừa là nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm. Vào những dịp lễ hội, du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của điệu múa dâng lễ trang nghiêm xuất hiện giữa những ngôi đền tháp thiêng liêng, cổ kính.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc