Nhà văn Nguyễn Phúc Lai làm thơ tức cảnh lúc nghỉ hưu
Ông nguyên là giáo viên dạy ngữ văn cấp hai. Sau năm 1965, ông là phóng viên Đài Truyền thông tỉnh Hưng Yên, Đài Phát thanh và truyền hình Hải Hưng. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Hải Hưng. Thời kỳ tái lập tỉnh Hưng Yên năm 1997, nhà văn Nguyễn Phúc Lai là Giám đốc Sở Văn hóa và Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hưng Yên. Kiêm hai chức lãnh đạo đầu ngành văn hóa và văn học nghệ thuật ở một tỉnh như thế ở nước ta không có mấy người.
Ngoài viết văn xuôi, nhà văn Nguyễn Phúc Lai còn viết kịch với hai vở "Làng Liêu Xá ở xa'' và ''Hãy chiều quí Lan Hương'' từng được giải nhất nhì cấp quốc gia. Mới đây, ông còn cho ra mắt ''Đông trò'' - vở kịch mới nêu những bức xúc về đền bù đất đai cho nông dân để xây dựng khu công nghiệp. Tưởng chừng, đời văn của nhà văn Nguyễn Phúc Lai chỉ viết văn xuôi, viết kịch hoặc đôi khi viết chân dung văn nghệ sĩ. Thế mà ông lại còn làm thơ nữa. Và điều này, như ông nói, chỉ “xảy” ra một lần, ấy là lúc ông về hưu. Cùng lúc xa trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật và Sở Văn hóa, ông luyến tiếc cảnh và người ở nơi ấy: ''Quảng trường đang mở ngổn ngang/Trước nhà công sở xốn xang mấy tòa/Buồng cau mới trổ non tơ/Nhãn vừa nẩy lộc đợi mùa năm sau/Văn hóa văn nghệ Hưng Yên/Ngôi nhà thao thức tám năm vui buồn/Mai rồi kẻ ở người về/Chỉ ngôi nhà biết những gì vấn vương'' (Trích trong bài thơ ''Bên hiên trụ sở cơ quan'' (Cảm tác trước ngày về hưu).
Vì phụ trách hai cơ quan Sở Văn hóa và Hội Văn học - Nghệ thuật nên nhà văn Nguyễn Phúc Lai cho làm chung một tấm biển ''Văn hóa văn nghệ Hưng Yên". Nhà thơ quá cố Hoàng Ngọc Lập nhìn tấm biển hai nhà một chủ liền tức cảnh: ''Hoan hô anh Nguyễn Phúc Lai/Anh về văn hóa tăng hai ba lần/Văn nghệ cũng không kém phần/Văn tra chung biểu tinh thần càng cao”.
Thế mới biết hữu cảnh thì sinh tình. Nhà văn Nguyễn Phúc Lai về hưu không sinh văn… mà sinh thơ.
Lê Hồng Bảo Uyên
Ý kiến bạn đọc