Đời mẹ vẫn lênh đênh
Mặc dù đã cố khẽ khàng hết sức nhưng bước chân của Mai không thể qua mắt được sự cảnh giác cao độ của con Milu xích trước hiên nhà chủ trọ, nó vẫn cứ nhấp nhỏm sủa “gâu gâu” vài tiếng cho hả dạ dẫu Mai với nó cũng chả xa lạ gì.
Đêm nơi thành thị náo nhiệt, năng động là thế, vậy mà khoảng không gian của con hẻm nhỏ này như tách biệt hoàn toàn khỏi lối sống hoa lệ ngoài kia. Có lẽ điểm đồng điệu duy nhất của ngõ vắng này và phố xá nườm nượp kia chính là mùi bụi, mùi khói đời phảng phất.
Mai lần theo thứ ánh sáng lờ mờ phát ra từ điện thoại về phòng. Dãy trọ im bặt, dường như những người công nhân đã đắm chìm trong giấc ngủ sâu sau ngày làm việc túi bụi, mệt nhoài. Chỉ còn le lói chút ánh sáng phát ra từ phòng kế bên: “Lại học! Chăm dữ bay”. Nó lẩm bẩm và mường tượng cậu bạn cùng trường đang lăm lăm quyển sách dày cộp mà nản lòng.
Vất phịch túi xách xuống nệm, con bé thở hổn hển cho phả hết mùi bia rượu. Cổ họng đã có dấu hiệu đau, giọng cũng đã khàn đi rõ rệt. Không khàn sao đặng khi mà nó đã cố gào thét suốt cuộc chơi. Sinh nhật nhỏ bạn vui thiệt, cả lũ quậy tưng bừng nhà hàng, rồi khu vui chơi, cuối cùng là vào trong phòng karaoke suốt ba tiếng chứ ít ỏi gì.
Cả tối uống toàn bia, nước ngọt khiến cái bụng cồn cào, lùng sục phòng mong kiếm chút gì nhét dạ mà cũng chẳng còn, mì gói cũng đã cạn từ lâu lắm rồi. Định bụng ra đầu ngõ ăn tạm tô hủ tiếu gõ mà chỉ còn vài đồng bạc lẻ, hầu bao chẳng đủ một tô mì. Cái ví nằm chỏng trơ giữa sàn nhà ẩm ướt: “Sao nợ cứ chồng chất vậy trời?”
Những hình ảnh vung tay quá trớn hiện về, cứ nhìn vào thứ diện mạo hiện giờ là đủ hiểu. Nó dành tiền đóng học để mua son, phấn, nước hoa này, kiểu túi xách nọ, rồi váy, giày hàng hiệu đủ cả… chỉ để ăn diện, tỏa sáng trong những cuộc chơi. Đơn giản, nó không muốn bị cô lập, không muốn bị chúng bạn dè bỉu. Thế là nó lao đầu vào các cuộc chơi, cũng cố thay đổi nhiều, kỳ công để thoát xác khỏi hình ảnh con nhỏ nhà quê hiền như cục đất, trở thành cô gái thành thị sành điệu, am tường cách làm đẹp. Dù đang ở đâu, làm gì, kể cả mai có kiểm tra đi nữa chỉ cần lũ bạn “ới” là nó không ngần ngại sớm trưa, mưa nắng tới liền.
Lồm cồm bò dậy vơ chiếc điện thoại, nó quyết định gọi mẹ xin trợ cấp, trong đầu là một mớ lý do moi tiền hợp lý: tiền trọ, tiền nhà, tiền học thêm… Ôi đủ thứ đáng để chi tiêu! - “Alo, khuya rồi gọi có việc gì không con? Con ăn gì chưa?” – “Con vừa đi học thêm về mẹ ạ. Con đang ăn. Sao mẹ thức khuya vậy?” – “À, mẹ với con Hiền tranh thủ băm sắn cho cô Ba. Bữa nay trời hạn quá, bức bối chẳng ngủ được. Tiện thể làm thêm kiếm chút đỉnh chứ trông chờ gì vào ba gánh hàng rong hả con. Còn tiền chi tiêu không vậy?” – “Con vẫn còn mẹ ơi. Con hỏi thăm vậy thôi. Mẹ về nghỉ sớm đi không mệt ạ”…
Cổ họng như nghẹn lại, nó quên bẵng đi mục đích ban đầu của cuộc gọi. Trong đầu nó hiện lên hình ảnh người phụ nữ tuổi ngoài 40 mà tóc đã điểm bạc, khuôn mặt khắc khổ hằn sâu những nếp nhăn dài đang lặng lẽ lau những giọt mồ hôi chảy dài trên gò má đem sạm… Giữa chợ đời, chợ người, gánh hàng rong như chìm trong quên lãng với những bó rau ngả màu héo úa….
Nó tự vấn lòng mình: “Tự lúc nào mà nói dối thành lệ? Tự bao giờ bị cuốn vào cuộc ăn chơi? Tự bao giờ trong tâm trí đã không còn nỗi ám ảnh của làng quê nghèo nàn, khó nhọc, ám ảnh về bao vất vả lo toan đỗ ụp xuống đôi vai hao gầy của người góa phụ lặng lẽ nuôi con… Lãng quên cả rồi….
Đời mẹ đến bao giờ mới vượt qua bể khổ? Đôi vai hao gầy bao giờ hết gánh lênh đênh???”.
Giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Nóng hổi!!!
Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Ý kiến bạn đọc