Liên hoan Tiếng hát Người làm báo Đắk Lắk lần thứ III-2016: Chuyên nghiệp và lan tỏa hơn
Đây là “sân chơi” cho những người làm báo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được tổ chức liên tục trong ba năm qua nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21- 6) hằng năm. Và có thể nói, kỳ liên hoan năm nay, “sân chơi” này đã bắt đầu cho thấy tính chuyên nghiệp và có sức lan tỏa hơn.
Điều đó được thể hiện ở nhiều mặt: sân khấu biểu diễn, cách thức tổ chức, lực lượng tham gia và đặc biệt là các tiết mục văn nghệ tham gia liên hoan đã được một số cơ quan, đơn vị báo chí đầu tư, dàn dựng thật sự công phu và bài bản.
Khác với hai kỳ liên hoan trước (chấm điểm qua phần hát karaoke), lần này thí sinh tham gia phải biểu diễn trên sân khấu có dàn nhạc công đi kèm. Theo đó, Ban giám khảo đưa ra những quy chế, thể lệ bắt buộc: hát đúng ca từ, nhạc điệu, tiết tấu tác phẩm tự chọn; chú trọng phong cách biểu diễn và hình thức thể hiện trên sân khấu cho từng tiết mục. Quy chế, thể lệ bắt buộc ấy, nói như anh Hoàng Huy Liêm (Phó phòng Văn nghệ - Đài PT-TH Đắk Lắk)-thành viên Ban giám khảo là nhằm hướng tới chất lượng cuộc thi và từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp cho kỳ liên hoan lần này, cũng như những năm sắp tới. Từ 17 tiết mục được đăng ký vòng sơ loại, Ban giám khảo đã chọn ra 10 tiết mục có chất lượng vào vòng chung khảo để trao giải.
Ban tổ chức trao giải Nhất cho các nhà báo đến từ Đài PT-TH Đắk Lắk và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Nguyên Hoa |
Nhìn vào sự cố gắng, nỗ lực từ bản thân mỗi thí sinh, cũng như sự quan tâm đầu tư của các đơn vị tham gia, thì người xem có thể nhận ra sự “đua tranh” để giành thứ hạng tại Liên hoan Tiếng hát Người làm báo Đắk Lắk lần thứ III-2016 đã bắt đầu lộ rõ. Ví như Sở Thông tin – Truyền thông, không những có nhiều tiết mục tham gia nhiều nhất (6 tiết mục) với các thể loại phong phú: đơn ca, tốp ca nữ và nam - nữ, mà còn dày công tập luyện, đầu tư cho từng “sản phẩm” của mình về mặt nội dung, lẫn hình thức biễu diễn. Hoặc như Đài PT-TH Đắk Lắk, Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Tây Nguyên, bên cạnh thế mạnh là có những giọng ca khá điêu luyện, các đơn vị này còn mang theo cả vũ công múa minh họa để tôn thêm tính chuyên nghiệp cho từng tiết mục, cũng như tổng thể chương trình nghệ thuật nói chung.
Ông Nguyễn Văn Phú, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk: Đây là kỳ liên hoan có chất lượng và bắt đầu có sức lan tỏa không chỉ trong báo giới mà cả công chúng yêu thích ca hát trên địa bàn. Hơn thế, qua kỳ liên hoan lần này, chứng tỏ anh chị em không những khẳng định mình ở vị trí cầm bút với những phẩm chất đáng trân trọng: đam mê, dũng cảm và trung thực trong nghề nghiệp mà còn có tố chất, khả năng về hoạt động văn hóa- văn nghệ sôi nổi, có chiều sâu, đa tài... Còn nhà báo Hoàng Thiên Nga (Trưởng văn phòng đại diện Báo Tiền Phong tại Đắk Lắk)-Trưởng Ban giám khảo liên hoan thì rất bất ngờ và ấn tượng trước những gì mà các thí sinh mang lại tại cuộc thi - từ tình cảm, phong cách biểu diễn… cho đến sự chỉn chu, chăm chút từng tiết mục được chọn - nhìn trên góc độ kỹ thuật, kỹ năng trình diễn âm nhạc, cũng như trang phục và yếu tố phụ họa liên quan. Theo nhà báo Hoàng Thiên Nga, một kỳ liên hoan có chất lượng và bước đầu tạo được tính chuyên nghiệp như vậy khiến Ban giám khảo “lúng túng”, buộc phải thay đổi cơ cấu giải thưởng cho phù hợp và xứng tầm. Từ cơ cấu 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba… những người “cầm cân nảy mực” cuộc liên hoan lần này phải “đôn lên” thành 2 giải Nhất, hai giải Nhì cho công bằng với thí sinh. Một sự “đảo lộn” rất đáng mừng và rất đáng khuyến khích! Bà Nga bộc bạch và mong rằng các kỳ liên hoan tiếp theo, tính chuyên nghiệp và sức lan tỏa sẽ được nhân lên gấp bội, xứng đáng là “sân chơi có đẳng cấp” cho những người làm báo Đắk Lắk thi thố tài năng mỗi dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) hằng năm.
Phương Bối
Ý kiến bạn đọc