Thương nhớ mùa gặt
Kết thúc năm học cũng là quãng thời gian tôi lại được trở về với cánh đồng quê, hòa nhịp cùng bà con nông dân trong những ngày mùa rộn ràng gặt hái. Có lẽ chẳng có niềm vui nào hơn niềm vui khi đến kỳ thu hoạch. Bao nhiêu nỗi vất vả nhọc nhằn cũng là chỉ để chờ đợi đến ngày này đây.
Ngay từ nhỏ tôi đã làm quen với công việc đồng áng, được bà và mẹ chỉ bảo cách cầm liềm, đưa tay cắt sao cho thật "ngọt", cách bó lúa cho gọn để khi vận chuyển không vương vãi. Bước ra đồng vào dịp này, cái cảm giác thật rộn ngợp, thích thú trước một màu vàng ruộm trải rộng đến mênh mông của biển lúa chạy dài xa tít tắp. Dường như bao nhiêu cái sắc vàng của nắng đã kết tinh, dồn cả vào từng bông lúa, gọi đàn chim sẻ tìm về với mùa gặt, ríu rít nô đùa làm bạn với các bác nông dân. Những bông lúa to, dài uốn cong như lưỡi câu với những hạt tròn mẩy óng ả như người thiếu nữ đang ở độ xuân thì. Nhìn từ xa, không thể phân biệt được đâu là bờ thửa. Mùi hương lúa chín quyện trong gió thoảng đem lại cho con người cảm giác no ấm, đủ đầy.
Minh họa: Đức Văn |
Cánh đồng ngày mùa thật đông vui, nhộn nhịp. Nhà nào cũng dậy từ rất sớm để chuẩn bị lỉnh kỉnh đủ mọi thứ: liềm, quang gánh, bạt, xe thồ, xe ba gác, siêu nước vối, chùm vải chín, vài quả dưa, quả hồng để đến khi mệt nhọc còn có thứ để tiếp sức. Nơi nghỉ giải lao thường là các gốc đa, dưới bóng những cây lớn ở giữa đồng hay dưới những rặng tre xanh râm mát nơi đầu làng. Bà con ra đồng như đi hội. Tiếng gọi nhau í ới ngay từ tờ mờ sáng. Nhà nào cũng huy động tối đa nguồn nhân lực của mình. Nếu như ngày thường chỉ có các bác nông dân ra đồng chăm bón lúa thì đến ngày mùa có thể dễ dàng bắt gặp các em học sinh hay còn có cả các thầy, cô giáo nhân dịp nghỉ hè cũng ra đồng phụ giúp gia đình. Bóng áo xanh công nhân cũng thấy thấp thoáng trên các thửa ruộng tận dụng thời gian sau giờ nghỉ để vận chuyển, bốc lúa lên xe và chở về nhà vào lúc chiều muộn. Khâu vận chuyển là một trong những khâu có thể nói vất vả và nặng nhọc nhất. Nhiều thửa ruộng cách xa làng đến 2 km, đường đi lối lại không được thuận tiện, không ở gần trục đường chính nên việc vận chuyển lúa từ ruộng lên đến bờ phải sử dụng đến quang gánh. Nếu là người không quen với công việc lao động chân tay hẳn là sẽ rất mỏi và ê nhức vai, có khi mất đến vài hôm. Năm nào ông trời thương, phù hộ cho nhà nông thì năm ấy đến mùa thu hoạch được tiết trời nắng ráo. Tuy làm việc có hơi mệt nhọc song lại thuận cho việc phơi phóng và vận chuyển. Ngược lại, những hôm thời tiết u ám, mây đen xám xịt mà lúa đã chín, mọi người ai nấy đều lo lắng. Đi làm mà còn phấp phỏng trông trời, trông đất và phải gặt vội sợ mưa về, lúa mâu sẽ rụng hết. Bởi vậy, cứ đến vụ chiêm nhà nhà thường bảo nhau chỉ cần đợi lúa chín tới là có thể thu hoạch được. Câu nói "xanh nhà còn hơn già đồng" luôn được coi là kinh nghiệm quý báu, được đúc kết và minh chứng qua thời gian.
Người đi xa về còn cảm nhận ngày mùa hiện hữu trên đất quê tôi ở ngay từ các ngả đường làng, nơi tràn ngập rơm vàng phủ kín khắp các nẻo ngõ. Mùi lúa chín, mùi rơm rạ cứ quấn quýt, vấn vương bao tâm hồn quê. Trên đường làng, những xe lúa chất cao ngất chạy bon bon cùng với những nụ cười rạng rỡ và niềm vui hiện rõ trên từng nét mặt, phấn khởi trước vụ mùa bội thu.
Tuổi thơ của những đứa trẻ ở quê tôi vui nhất là vào những buổi chiều rủ nhau đi mót thóc, nhặt nhạnh những cọng lúa còn sót lại trên những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Một bên tay cắp chiếc mẹt đựng thóc, bên kia hông là chiếc giỏ đựng những chú cua đồng béo mũm, hứa hẹn cho cả nhà bữa canh ngon sau buổi làm đồng mệt nhọc. Cuối buổi, những đứa trẻ lại kéo nhau ra khúc sông sen cuối làng tắm gội thỏa thích rồi mới về nhà. Lúc ấy, thế nào trên tay chúng cũng có vài đóa sen hồng thơm ngát hay mấy chiếc bát sen to đùng. Tối về, lũ trẻ lại chơi trò trốn tìm quanh cây rơm cao vút đến khi trăng đã lên cao và tiếng máy tuốt thưa dần rồi im bặt - âm thanh kết thúc của một ngày lao động mệt nhọc.
Mùa gặt - mùa vui, mùa đối với tôi là những ký ức thân thương gắn với những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo cha và dáng mẹ hao gầy với gánh lúa kĩu kịt oằn vai. Nhớ từng cọng rơm vàng bà ngồi vuốt tỉ mẩn, bện những chiếc chổi để dành cho mùa vụ sau. Nhớ cả từng hạt lúa thảo thơm đã nuôi chúng tôi khôn lớn, trưởng thành.
Vũ Thị Thanh Hòa
Ý kiến bạn đọc