Ka Sô Liễng và duyên nợ với sử thi
“Mắt đen hơn rắn than/Mặt đỏ như hoa vông/Miệng tròn như ống tên/Môi đỏ như trái tơ – neng/Mũi giống miệng con rắn mây/Ngón chân, ngón tay như cá bống Krông Ana/Nó đẹp như đúc bằng khuôn, như đổ bằng ống/Như dát bằng bạc, như trải bằng vàng/Xing Chi Ngă đẹp/Bởi mẹ nó ăn trái knia, cha nó ăn trái hơ – đăng/Giàng trời cho nó đẹp...” - đoạn mô tả vẻ đẹp của Xing Chi Ngă trong sử thi “Chi Lơ Kok” thật cuốn hút qua lời ngân nga của nhà nghiên cứu dân gian Ka Sô Liễng.
Năm nay đã bước sang tuổi 80 song Ka Sô Liễng vẫn còn dáng vóc khỏe khoắn và giọng nói trầm hùng. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đầy sách giữa vườn cây lộng gió ở thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên), ông hoạt bát hẳn lên khi nói về sử thi.
17 tuổi, Ka Sô Liễng nhập ngũ vào Trung đoàn 84 rồi tập kết ra Bắc, theo học Trường Lý luận Nghiệp vụ Văn hóa Hà Nội, rồi khoa đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Thời gian này, ông đã tiếp xúc và mê mẩn với những bộ sử thi “Đam San”, “Xing Nhã”, “Đăm Di” của đồng bào Êđê, “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường và sử thi “Đăm Noi” của đồng bào Ba Na… Nhưng phải đến khi Phú Yên tái lập tỉnh, được chuyển về công tác giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, Ka Sô Liễng mới có điều kiện đi điền dã, dành trọn tình yêu cho sử thi.
Ông Ka Sô Liễng. |
Khi về nghỉ hưu ở Ea Chà Rang, dường như Ka Sô Liễng dành toàn tâm, toàn trí, toàn hồn cho loại hình văn hóa dân gian này. Lo sợ các nghệ nhân dân gian còn nhớ và kể sử thi cứ lần lượt về với thế giới ông bà, ông lặn lội đi tìm người già để nghe kể lại bằng các hình thức thu âm và ghi chép. Càng làm ông càng say mê. Có buôn, ông đến nhiều lần mới ghi chép xong một bài trường ca, có khi lần sau quay lại thì nghệ nhân đã qua đời. Ka Sô Liễng còn lưu giữ nhiều cuốn sổ tay đã ngả vàng với những ghi chép còn chưa đến đoạn kết. Ông lặn lội về các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, các xã vùng cao Sơn Hòa của Phú Yên và các buôn làng xa xôi ở Tây Nguyên. Nhớ nhất là chuyến ông đi bộ cả trăm cây số, lang thang tận Đắk Lắk, Gia Lai rồi ngã bệnh luôn ở đó, người nhà phải đi tìm, chở về TP. Tuy Hòa điều trị. Nhưng rồi, khỏe lại, ông lại lên đường, tiếp tục cần mẫn với công việc gìn giữ vốn quý cho đời sau. Sử thi ông sưu tầm hầu hết là sử thi anh hùng với đề tài chiến tranh, trong đó, phổ biến và tiêu biểu hơn cả là sử thi “Chi Lơ Kok” – một tác phẩm phản ánh nhiều mặt về vùng đất, con người và xã hội của các tộc người Êđê, Bana từ bao đời nay là xứ sở xinh đẹp, giàu có.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng vừa có niềm vinh dự lớn khi được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Vui nhất là những đóng góp của ông được nhiều người ví như cây kơ nia vươn cao trước gió, như cánh chim kơ-tia không mỏi, như con ong cần mẫn giữa đại ngàn… Vui vậy nhưng trong lòng Ka Sô Liễng vẫn đầy nỗi trăn trở làm sao để lớp trẻ thấy được cái hay, cái đẹp trong sử thi của dân tộc mình, yêu quý, gìn giữ văn hóa truyền thống và làm sao để ghi lại hết “kho báu” sử thi trước khi các nghệ nhân mang theo “kho báu” ấy về với ông bà...
Từ năm 1995 đến nay, ông đã có nhiều tác phẩm khảo cứu đoạt giải thưởng từ tỉnh đến Trung ương. Với tinh thần làm việc say mê, tâm huyết, nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng đã cho công bố đến 6 sử thi: “Chi Lơ Kok”, “Xinh Chi Ôn” (tập I), “Xinh Chi Ôn” (tập II), “Hơbia Tulúi Kalipu”, “Trường ca Chi blơng”, “Tiếng cồng ông bà Hbia Lơđă”… |
Cao Vĩ Nhánh
Ý kiến bạn đọc