Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện từ một tiết mục văn nghệ

10:18, 24/09/2017
Tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng (NTQC) tỉnh lần thứ XV do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức, tiết mục hoạt cảnh múa “Cúc ơi” của Đoàn NTQC huyện Krông Ana đã khiến không ít khán giả xúc động rơi lệ.

 NSƯT Vũ Lân, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan đánh giá: “Đây là một trong những tiết mục xuất sắc nhất tại Liên hoan năm nay, diễn viên biểu diễn rất xúc động. Phải thực sự có năng khiếu, nhập tâm vào vai diễn, các em mới hoàn thành tốt tiết mục đến như vậy”.

Hoạt cảnh múa “Cúc ơi” kể về sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) trong chiến tranh chống Mỹ. Diễn ra trong vòng 7 phút, hoạt cảnh đã tái hiện sống động hình ảnh hào hùng, bi tráng của 10 cô gái Đồng Lộc trong buổi chiều định mệnh 24-7-1968. Mở đầu tiết mục là hình ảnh 10 cô gái tuổi mười tám đôi mươi đang đọc thư của mẹ gửi từ quê nhà. Dù phải sống và làm việc trong làn mưa bom bão đạn, nhưng các cô luôn giữ được nét trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời, sẵn sàng san lấp hố bom để thông đường cho xe ra chiến trường. Rồi trong trận mưa bom ấy, một quả rơi sát miệng hầm đã vùi lấp tất cả! Đồng đội của các chị đã lao vào đào bới đất cát và chỉ tìm được 9 người, đến khi tưởng như tuyệt vọng mới tìm thấy Cúc. Đau xót đến tận cùng khi cả 10 cô gái đang ở tuổi thanh xuân, chưa ai lập gia đình…  

Hoạt cảnh múa “Cúc ơi” tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ XV.
Hoạt cảnh múa “Cúc ơi” tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ XV.

Tiết mục tiếp tục được đẩy lên cao trào khi một đồng đội của Cúc vừa bới từng lớp đất đá vừa gào khóc: “Ở đâu hỡi Cúc/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khản cả cổ rồi/ Cúc ơi”… (trích trong bài thơ “Cúc ơi” của nhà thơ Yến Thanh). Từ nét mặt, cử chỉ, dáng đi… các diễn viên đã thể hiện tột cùng nỗi đau trước sự hy sinh của 10 cô gái Đồng Lộc khiến nhiều khán giả không kìm được nước mắt.

Để xây dựng được tiết mục nói trên, Đoàn NTQC huyện mất hơn 1 tháng tập luyện. Bạn Phạm Ngọc Anh, diễn viên của Đoàn chia sẻ: Tiết mục này tập luyện đúng dịp hè nên rất thuận lợi trong việc huy động học sinh và giáo viên tham gia. Dù hơn 50% diễn viên chưa từng đứng trên sân khấu, nhưng tự nội dung câu chuyện đã có ý nghĩa sâu sắc, lay động lòng người cùng tình yêu nghệ thuật đã khiến mọi người cố gắng hết mình, đưa tiết mục  xuất sắc giành giải A tại Liên hoan.

Nối tiếp thành công tại Liên hoan, Đoàn TNQC huyện Krông Ana tổ chức công diễn, phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện. Ngoài 6 tiết mục dự thi, Đoàn luyện tập thêm 6 tiết mục mới để phục vụ khán giả. 2 lần tổ chức biểu diễn ở thị trấn Buôn Trấp đều gặp mưa, nhưng khán giả vẫn đến xem đông nghịt, trong đó nhiều người đã hơn một lần xem tiết mục “Cúc ơi” nhưng vẫn rưng rưng nước mắt. Điều đó như càng khẳng định, câu chuyện Ngã Ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca về quyết tâm giành tự do, độc lập; vì Tổ quốc, có những hy sinh đã hóa thành bất tử…

Ông Phạm Văn Bường, Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Krông Ana chia sẻ: “Sự ủng hộ của khán giả dành cho Đoàn là động lực để các diễn viên cố gắng, tập luyện thêm nhiều tiết mục có giá trị cao cả về nội dung và nghệ thuật, đem đến cho bà con những món ăn tinh thần bổ ích”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.