Đám cưới thời chiến
- Mời cô dâu chú rể lên ghế ngồi!
Vị chủ hôn đầu đội khăn xếp, áo the đen trịnh trọng xướng tên cô dâu và chú rể. Sau lời xướng, lần lượt từng cặp cô dâu, chú rể lên ngồi trên những chiếc ghế tựa kê phía trên hôn trường dưới tấm phông màu xanh. Gọi là “hôn trường” cho sang, chứ thực ra đấy là một vuông sân kho hợp tác xã, được kê thêm mấy bộ bàn ghế để các vị bô lão và người cao tuổi ngồi, còn những người đến dự đều phải đứng phía sau. Tấm phông cưới màu xanh hòa bình được trang trí hình đôi bồ câu trắng đang chụm mỏ vào nhau, phía dưới là dòng chữ “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.
Đấy là đám cưới của sáu cặp đôi: Chú Thịnh với cô Bính, chú Thiềm và cô Thảo, chú Tiết với cô Ly… Các chú rể đều mặc áo sơ mi trắng, quần ka ki xanh; cô dâu mặc áo lơ xanh cổ hình trái tim, quần phíp hoặc vải lụa đen nền nã.
Sau khi các cặp đôi đã ngồi trên ghế, vị chủ tọa tuyên bố: “Kính thưa quan viên hai họ! Hôm nay ngày lành tháng tốt, thôn ta tổ chức đám cưới cho sáu cặp anh chị là… (xướng tên sáu cặp cô dâu, chú rể) nên vợ thành chồng. Nhà ông bà (tên bố mẹ chú rể) có cô dâu thảo, nhà ông bà (tên bố mẹ cô dâu) có chú rể hiền; một cặp nên duyên, hai nhà nên nghĩa, mặn nồng mãi mãi…”. Rồi ông đọc mấy câu thơ tự sáng tác và mời một đại diện nhà chú rể, cô dâu lên phát biểu.
Trong lời phát biểu ấy bao giờ cũng có câu: “Mong các anh chị xứng đáng là trai anh hùng, gái đảm đang, là dâu thảo rể hiền; trai ra trận thì quyết lập công, gái ở hậu phương thì đảm đang, lo tròn đạo hiếu…”. Cuối cùng một chú rể đại diện lên hứa: “Vui duyên mới chúng con càng nhớ đến nhiệm vụ phải gánh vác việc non sông, đất nước; không quên việc gia đình, nghĩa vụ với làng xóm, quê hương…”.
Nhìn chung mọi lời nói, mọi dặn dò và lời hứa của những người trong các đám cưới ngày ấy đều theo một “công thức chung”: hạnh phúc lứa đôi phải gắn với nghĩa vụ đối với quê hương, đất nước!
Với bọn trẻ làng thì mọi nghi lễ (mà chúng cho là rất rườm rà) trong đám cưới đều không có gì quan trọng. Chúng chỉ quan tâm đám cưới nghĩa là dịp để chúng được tụ tập, được ồn ào; được góp công sức vào cái sự kiện trọng đại của người lớn.
Trước đám cưới một ngày, bọn trẻ thường được chủ nhà nhờ đi đến các gia đình trong làng mượn bàn ghế về kê trên sân, hoặc làm các việc vặt mà chủ nhà cần. Vui nhất là chuyện khiêng bàn ghế, hệt như việc chuyển bàn ghế từ nơi học cũ về lớp học sơ tán hôm nào: năm đứa khiêng một bàn, bốn đứa bốn góc còn một đứa chui xuống giữa đội dưới lên. Cao thấp không đều nhau nên nặng nhẹ cũng khác nhau, nhất là góc bàn phía đứa thấp. Chân bàn cứ va xuống đất lịch kịch, trong khi cái mồm chẳng đứa nào chịu thua đứa nào, thằng nào cũng muốn làm chỉ huy nên cứ ỏm tỏi suốt một đoạn đường. Mệt quá thì chúng đặt bàn xuống nghỉ rồi cùng phót lên bàn ngồi vắt vẻo, chân đong đưa đầy vẻ khoái trá. Thú nhất là khi làm xong nhiệm vụ, cuối buổi chúng thường được chủ nhà thưởng cho nắm xôi và chục thanh kẹo lạc béo ngậy…
Đám cưới thời chiến đối với nhà sang, có điều kiện thì dựng rạp, dưới kê mấy dãy bàn và chiêu đãi khách bằng bánh, kẹo (thường là bánh bích quy, kẹo lạc hoặc kẹo vừng) và nước chè xanh. Quà tặng cô dâu, chú rể thường là chiếc khăn mùi xoa hoặc cặp gối, sang lắm thì là chiếc xoong nấu bột cho trẻ em bé tí xíu. Khăn mùi xoa hoặc gối cũng lắm dạng, lắm kiểu: Các cô gái biết may vá, thêu thùa thì thêu đôi chim bồ câu bên cành hoa năm cánh nở rộ với dòng chữ “Hạnh phúc”; khăn mùi xoa chủ yếu là loại khăn mua phân phối ở cửa hàng quốc doanh có kẻ ô nhiều màu chung quanh, khi mở ra còn thơm mùi hồ vải. Trong khi khách dự đám cưới ăn kẹo, uống nước chè xanh thì nam, nữ thanh niên biểu diễn văn nghệ với các bài hát phổ biến thời bấy giờ như: “Tình trong lá thiếp”, “Đường cày đảm đang”, “Người Châu Yên em bắn máy bay”, “Chiếc gậy Trường Sơn”; hoặc hát các bài tốp ca: “Cô gái mở đường”, “Sẵn sàng bắn”… hừng hực khí thế chiến đấu! Cô dâu, chú rể đi lại từng bàn mời kẹo mời nước và nhận quà tặng trực tiếp từ tay khách trao…
Sau đám cưới, đa số các chú rể lên đường cầm súng vào Nam chiến đấu, để lại người vợ trẻ đau đáu nỗi nhớ thương, chờ đợi nơi quê nhà. Trong số học sinh của làng Yên Phó ngày ấy, thằng Hùng khi nhập ngũ đã kịp cưới vợ; khi nó có lệnh vào Nam, vợ đi tiễn cứ bịn rịn chẳng muốn rời nhau. Thằng Liêm, thằng Trung cũng đã có người yêu là bạn gái cùng lớp đẹp như hoa khôi, khi lên đường chúng nó hẹn nhau chờ đợi ngày trở về. Thế nhưng, cả hai đứa đã ngã xuống trên chiến trường thành cổ Quảng Trị khốc liệt 81 ngày đêm máu lửa, để lại cho người bạn gái một lời hẹn mãi mãi không thành hiện thực…
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc