Multimedia Đọc Báo in

Làng quê thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ

05:51, 01/10/2017

Từ năm 1965-1968, đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc thân yêu. Cùng với cả nước, làng Yên Phó cũng chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến lâu dài này!

Bộ mặt của làng có nhiều cái mới. Trên những bức tường gạch các nhà, trên các bảng thông tin của làng xuất hiện nhiều khẩu hiệu viết bằng đủ loại mực màu xanh, đỏ hoặc nước than đen với đủ các loại chữ in, chữ đứng, chữ nghiêng… cùng muôn vẻ khác nhau, nhưng tựu chung đều nói lên khí thế hừng hực của lòng người quyết tâm giành chiến thắng. Này là: “Đả đảo đế quốc Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc”, này là “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi là “Thóc thừa cân, quân thừa người” (trước kia là “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”); “Cả nước một lòng vì miền Nam ruột thịt”… Trên các bảng thông tin đầu làng còn có những câu thơ lục bát vận động thanh niên tiếp tục tòng quân đi cứu nước: “Ra đi giữ trọn lời thề/Đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”; thậm chí là cả một khổ thơ dài của Tố Hữu: “Hỡi miền Bắc đó nặng hai vai/Gánh vác non sông vượt dặm dài/ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Điều đáng chú ý là những căn nhà ngày ấy ít ai làm mặt tiền quay ra đường như bây giờ mà đa số quay mặt vào trong, lưng nhà hoặc hông nhà quay ra ngoài, rất thuận tiện cho việc viết, vẽ, trang trí khẩu hiệu theo độ dài, ngắn, to nhỏ, mảnh, đậm… khác nhau. Và nhà nào được đội thông tin của làng viết khẩu hiệu lên tường vôi trắng là cả một niềm tự hào vì được đóng góp công sức vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc!

Đường làng ngõ xóm chằng chịt hào giao thông, hố tăng-xê (loại hố nhỏ hình tròn sâu khoảng một mét đủ cho một người ngồi), mỗi hố cách nhau hai chục mét. Trong mỗi gia đình đều có hầm trú ẩn hình chữ A làm bằng thân những cây tre già, trên đắp đất dày hàng mét để cả gia đình xuống trú phòng máy bay địch đến ném bom. Nhà có bốn, năm đứa con thì được phân chia sang trú ở căn hầm nhà khác, phòng khi nhỡ bom ném trúng hầm này thì vẫn còn đứa sống để duy trì dòng giống. Các lớp học của bọn trẻ trong làng được sơ tán về những vùng có nhiều bóng cây xanh (trước kia là ở những vùng đất thoáng đãng, rộng rãi); tuy việc chạy nhảy, chơi đùa của lứa tuổi học trò có bị thu hẹp nhưng đổi lại cây xanh bao phủ đã giúp che mắt máy bay địch. Xung quanh lớp học là lũy cao, hào sâu và nhiều căn hầm chữ A chắc chắn đủ cho cả lớp học ba, bốn chục đứa trú ẩn. Bọn trẻ trong làng đi học có đầy đủ mũ rơm, hộp thuốc cứu thương đeo bên người cùng với cặp sách, lọ mực tím trên tay… Ngày ấy có một bài hát thường được quản ca của lớp bắt nhịp hát tập thể cho cả lớp, với những câu thật hay: “Lớp em xinh xinh đây căn nhà mới dựng/Có lũy cao dày có hàng tre vút xanh/Chích chòe thường ghé thăm/ Lớp học của chúng em/Tiếng học bài vang, tiếng ca vui rộn ràng…”.

Làng có thêm một sự kiện đáng chú ý là có hai khẩu đội pháo cao xạ được bố trí ngay trên đất của làng: một khẩu đội ở Mả Đền và một khẩu đội ở cạnh sân kho của xóm Sáu, gần nhà bà Sánh, nhà ông Vượng. Các chú bộ đội pháo binh ngày ra trực bên mâm pháo, tối về nghỉ trong nhà dân. Bọn trẻ làng hằng ngày kéo ra xem các chú trực chiến, tập dượt bắn máy bay địch. Nhìn nòng pháo quay tít, tiếng hô của chú khẩu đội trưởng vang vang rõ oai, rồi thì lá cờ đỏ hình đuôi nheo nhỏ trên tay chú phất mạnh ra lệnh bắn giả định, thằng nào cũng thấy sao mà chú ấy oai đến vậy. Chúng cứ tròn mắt nhìn, ước ao sau này lớn lên nhất định chúng cũng sẽ làm “khẩu đội trưởng” như chú ấy! Các cô gái trẻ của làng thì được phát súng trường, thường xuyên khoác súng sau lưng khi đi làm đồng. Vai áo nâu tròn lẳn, eo lưng ong với bầu má lúc nào cũng đỏ hồng có thêm khẩu súng trường sau lưng nhìn các cô thật đẹp, thật oai. Bọn con gái nhiều đứa cứ muốn mượn đeo thử nhưng các cô không cho. “Trẻ con biết gì mà đùa với súng đạn”- các cô bảo vậy.

Cùng với cả nước, làng Yên Phó đã chính thức đi vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Khi từng đàn máy bay địch bay từ phía Thanh Hóa ra,  hoặc sau khi ném bom từ phía Lạng Sơn, Hà Nội về; nghe tiếng bom chúng dội xuống âm trong lòng ngực, dội rung mặt đất…  ai nấy đều căm giận. Từng loạt pháo cao xạ, súng trường đan dày, rồi cả tên lửa lao lên như một trận hiệp đồng của cuộc chiến tranh nhân dân hết sức nhịp nhàng, cương quyết không cho bọn gây tội ác trốn thoát. Những bụm lửa của máy bay địch nổ tung giữa trời, những tiếng reo “cháy rồi, máy bay địch cháy rồi” hởi lòng hởi dạ bao người. Trong chiến công chung ấy có công chia lửa của hai khẩu đội pháo cao xạ đóng trên làng Yên Phó, có những lằn lửa căm thù từ những nòng súng trường của các cô gái dân quân của làng… để rồi đến tháng 1-1973 đế quốc Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, đặt bút ký vào Hiệp định Paris; lịch sử, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong chiến công chung ấy, bọn trẻ làng Yên Phó tự hào được đóng góp một phần công sức cùng cha anh làm nên chiến thắng.

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.