Lớp học sơ tán
Năm 1966, khi giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, các lớp học ở làng Yên Phó đều đã được sơ tán vào các xóm trong làng, hoặc là um tùm bóng tre xanh, hoặc là dưới bóng cây cổ thụ mát rượi.
Lớp 6 của tốp thằng Hòa, thằng Thông, thằng Trường ở xóm bốn; lớp 7 của thằng Bắc, thằng Thứ, con Thủy ở xóm một. Lớp chỉ cách nhà khoảng 1 - 2 cây số nên chúng nó đều cuốc bộ đến trường. Vả lại ngày ấy xe đạp còn hiếm lắm, cả làng chỉ có khoảng chục chiếc xe của các chú cán bộ làm trên tỉnh mà thôi.
Vui nhất là ngày dựng lớp học mới. Công cán cũng như vật liệu làm nhà đều do phụ huynh có con đang học đóng góp, chủ yếu là tre và rạ rơm. Tre để làm hầm trú ẩn, làm khung lớp học, rạ rơm để lợp mái nhà. Khắp góc vườn, bờ ao rộn tiếng chặt tre chan chát; trên các ngả đường làng nhộn nhịp người vác tre, người quảy rơm về nơi tập kết. Phụ nữ thì gánh đất đắp nền xây lũy, đàn ông đào hầm, đào hào, dựng sườn nhà; tiếng nói chuyện, tiếng pha trò vui rộn góc làng. Riêng bọn trẻ con thì lăng xăng chạy hết chỗ này đến chỗ kia mà chẳng việc gì ra việc gì, chỉ có cái mồm của chúng là cứ la oai oái như muốn chứng tỏ chúng mới là chủ thể ở đây. Chẳng gì thì chúng cũng sắp thành những anh học trò lớp 6, thành học sinh cấp II rồi còn gì. Lớp học có lũy, có hầm, có hào giao thông (khác hẳn những lớp học thời bình vừa mới hôm qua đây thôi) đối với chúng vừa lạ vừa có cái gì đấy thật thiêng liêng với một cảm xúc khó tả.
Khoảng một tuần thì toàn bộ lớp học được làm xong, nóc hầm và mặt lũy cao ngang mái nhà, được phủ bằng từng mảng cỏ xanh ẩn dưới bóng tre xanh. Từng bầy chim chích, chim sẻ ào xuống ngọn tre, ríu rít mổ nhau thật vui. Thằng Đồi nhà bà Vẹt ngồi gần cửa sổ cứ chống tay xem chim cãi nhau, há hốc miệng nhìn, rồi gió mát hiu hiu khiến nó ngủ gục xuống, bị cô giáo Hồng gọi đứng dậy đọc tiếp bài văn mà thằng Hòa vừa đọc dở, Đồi ta ú ớ khiến cả lớp được phen cười đến tỉnh cả ngủ…
Giờ học ngoại khóa cả lớp tập dượt các động tác tránh máy bay địch ném bom. Giả định là khi có tiếng máy bay địch, nghe kẻng báo động ở giữa làng thì lớp trưởng thổi còi để cả lớp tản ra hào giao thông rồi từng tốp năm đứa vào một căn hầm chữ A đã được ghi theo sơ đồ trước đấy. Một khung cảnh ồn ào, thằng này đẩy mông thằng kia giục đi nhanh lên, cứ như cái chợ vỡ. Vào hầm ngồi rồi mà chúng vẫn cãi nhau chí chóe khiến lớp trưởng phải thổi còi ré lên ra hiệu trật tự. Con Hiền, con Minh trú cùng hầm với ba thằng đực rựa, bị chúng ép vào sát vách hầm, đất bụi dính đầy quần áo, đầu tóc khiến hai nàng bật khóc hu hu. Tan buổi thực tập, cô giáo họp rút kinh nghiệm đã nghiêm khắc phê phán mấy… ông giời con. Cô nói: “Đã sơ tán tránh máy bay địch, phải cơ động thật nhanh, phải chú ý lắng nghe mệnh lệnh của chỉ huy nhưng các em ồn ào, mất trật tự đến mức không ai nghe ai, lộn xộn như cái chợ vậy thì sao mà nghe được. Là học sinh lớp 6 rồi, là đội viên thiếu niên tiền phong rồi chứ còn trẻ con nữa đâu. Các em có thấy các chú bộ đội giữ nghiêm kỷ luật như thế nào không. Các em phải học tập các chú bộ đội, phải giữ nghiêm kỷ luật như các chú bộ đội…”. Nghe mình được ví với các chú bộ đội (mà theo quan niệm của chúng, đã là bộ đội tức là phải chững chạc, đàng hoàng) nên từ đợt báo động lần sau, chúng như lớn hẳn lên, nghiêm túc tuân theo mọi chỉ huy, hiệu lệnh của lớp trưởng, của cô Hồng chủ nhiệm.
Ngoài chiếc ba lô đựng sách vở khoác trên vai, tay xách lọ mực tím, lũ học trò làng khi ấy có thêm chiếc mũ rơm đội trên đầu để che mảnh đạn pháo rơi từ trên trời xuống. Ban đầu nó có hình thù là chiếc nùn rơm bện, đường kính chừng sáu mươi phân. Khi máy bay địch đến bắn phá, bọn trẻ nhảy xuống hố tăng xê, đội nùn trên đầu để nếu đạn pháo phòng không của các chú bộ đội bắn máy bay, khi mảnh rơi xuống thì không gây sát thương. Sau này, chiếc nùn rơm được thay bằng chiếc mũ rơm (hình thù giống chiếc mũ cói bây giờ) vừa xinh vừa nhẹ hơn rất nhiều. Trong ký ức của lũ trẻ làng còn in đậm tiếng máy bay gầm rú trên đầu, tiếng pháo, tiếng súng đủ cỡ bắn lên nổ đùng đoàng trên trời và tiếng mảnh đạn rơi xuống chiu chíu xuống đồng, xuống ruộng nghe bum bủm hoặc đồm độp trên đường, chung quanh chỗ chúng ẩn nấp. Vậy nhưng, tuyệt nhiên không có mảnh nào văng vào chúng. Ông trời hình như cũng thương tình bọn trẻ con mà “lái” mảnh đạn rơi xa chúng thì phải.
Trong kiến thức bọn trẻ được học lúc bấy giờ có thêm việc làm thế nào để tránh bom địch khi đang đi trên đường. Ấy là: khi nhìn thấy quả bom từ máy bay địch thả xuống mà tròn ung ủng, nghĩa là bom đang rơi xuống chỗ chúng, lập tức phải chạy thật nhanh, tránh càng xa càng tốt rồi lăn xuống chỗ nào thật thấp để nếu bom nổ thì có vật cản. Còn nếu thấy bom rơi thành vệt dài thì phải lập tức chạy theo hướng ngược lại…Chúng còn được hướng dẫn cách cứu thương, cách băng bó cho bạn, cho mình khi bị thương. Có lần thằng Đồi được nằm làm mẫu cho con Nhân nẹp một bên chân bị gãy, Đồi ta nằm trên cáng, mắt lim dim khoái chí nhìn con Nhân má đỏ hồng loay hoay với hai cây nẹp dài lên đến tận đùi. Chả biết có phải duyên trời xe không, mà sau lần ấy hai đứa phải lòng nhau. Học xong lớp 7 thì chúng nghỉ học, ở nhà làm ruộng và mấy năm sau thì tổ chức đám cưới, sống rất hạnh phúc…
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc