Multimedia Đọc Báo in

Đường làng

17:07, 19/11/2017

Hồi học lớp ba, trong sách tập đọc của thằng Trường có một bài thơ ở mục học thuộc lòng, trong đó có những câu khiến Trường nhớ mãi.

"Ngày ngày đi ra trường/Em theo con đường làng/Hai bên cỏ xanh mướt/Giữa đất đỏ mịn màng/Đường mềm như dải lụa/Uốn mình dưới cây xanh/Men theo hai bờ lúa/Vòng gốc đa ven đình"... Nhớ, bởi vì bài thơ rất có hồn, đã miêu tả đúng hình ảnh con đường làng quanh co uốn lượn với bao dáng người đi; là nơi in dấu chân bao lớp người sống ở làng quê...

Đường làng mang hồn của làng, cũng như làng có giếng làng, có mái đình, cây đa... Người làng đi trên đường làng, chào nhau qua hơi gió lạnh hun hút mùa đông, trong những ngày hè miên man nắng, hoặc trong làn mưa bụi như rắc phấn ngày xuân. Những bàn chân bước trên đường làng là chân trần; thảng hoặc vào những ngày hội hè hay đình đám, việc làng thì mới nghe tiếng guốc gỗ gõ trên nền đất mịn.

 Con đường làng ngày xưa chẳng hiểu sao cứ phải quanh co, ngoằn ngoèo uốn lượn... Không quanh co, không uốn lượn ngoằn ngoèo dứt khoát không phải đường làng. Đường qua đồng lúa, đường chạy trước sân đình; đường nối xóm trong với xóm ngoài, nối con đê với bến đò... nơi nào đường cũng “ghé thăm” như người bạn hiếu khách không nỡ bỏ bạn bè. Mỗi lần đi trên đường làng là thêm một điều khám phá, thêm một phát hiện mới không ngày nào giống ngày nào. Một lối mòn ở giữa chỉ rộng vừa đủ cho một người sải bước; hai bên lối mòn là đôi bờ cỏ xanh mướt cứ bồng lên về mùa xuân với những hạt sương long lanh buổi sớm. Khi gặp người đi ngược chiều, thuận chân tránh lên cỏ bỗng nhận ra cảm giác mát rượi của sương xen cái ấm mềm, nhẫn chịu của cỏ. Mùa thu với heo may hây hẩy, đường làng sạch bong như được người quét từ đêm hôm trước để rồi sáng ra, bóng cô gái đội vành nón trắng đi ngược chiều gió, tà áo nâu xẻ hông bay lả bay lơi khiến làn da eo trắng ngần cứ ẩn cứ hiện. Qua những bờ ao làng, gặp con bói cá cánh xanh lao một tiếng đánh "bủm" như tên bắn xuống mặt ao tím hồng hoa súng rồi bay vút lên, để lại những vòng sóng giao thoa trên mặt nước như mãi không tan, như nhạo cười thằng bé lớp ba mải đuổi con cào cào ngã lộn nhào trên bờ cỏ mịn bên đường... Cá đớp chân lúa đương thì con gái lay động khung trời nhỏ dưới bóng nước sau chân bèo tấm lăn tăn. Đến trước sân đình, đường làng rộng thêm một khoảnh để những chân rễ của cụ đa già đủ ngoằn ngoèo cho thêm màu rêu phong cổ tích. Dưới mặt ao đình cũng vẫn màu chân quê ấy: màu hoa súng tím! Nhưng hình như màu hoa tím ở đây có thẫm hơn do ngấm mùi hương của nhang trầm từ trong chùa thoảng ra ngan ngát mỗi chiều...

Nhưng đường làng nhộn nhịp nhất có lẽ là vào những vụ cấy, mùa gặt. Cả làng đi trên đường, quang gánh nói chuyện với những bàn chân; tiếng cười thiếu nữ nói chuyện với khoảng không trong veo, và bầy trẻ con nói chuyện với những cánh cào cào bay loạn xạ cùng bầy cua cá trốn trong chân rạ. Ai cũng có việc, có công; ai cũng tay làm miệng nói vui rộn khoảng trời ngày. Chỉ riêng con đường vẫn vậy, cứ lặng lẽ ngoằn ngoèo, lặng lẽ chạy về phía trước, càng xa càng như sợi chỉ xanh bé dần, bé dần... Tụi trẻ làng đến trường chân đất lội lên vệ cỏ tìm búp cỏ chơi trò "chọi gà". Mải chơi, chúng đến trường muộn giờ học, cô phạt bắt đứng quay mặt vào tường. Đứng mãi vậy, qua ô cửa sổ lớp nhìn ra đường, chúng bỗng nhận thấy cuộc sống ngoài kia sinh động hơn hẳn mấy bài toán cộng trừ cô đang viết trên bảng đen: hàng cây bên đường nhẹ trút những chiếc lá như những bức thư mùa thu cây gửi cho vệ cỏ; một chiếc xe đạp lướt qua, tiếng chuông kính coong, kính coong thật vui tai. Xa kia có ba thằng trẻ con học lớp ba chắc là trống tiết buổi sáng với chiếc ná dây thun trên tay đang lom khom  tìm bắn chim. Chim bay hết, chúng quay ra tìm nhặt quả bàng rụng đập lấy nhân để ăn. Tiếng đập từ xa vọng lại nghe và nhìn cứ như lỡ nhịp...

Đường làng ngày xưa toàn là đường đất với lối mòn ở giữa, hai vệ cỏ xanh hai bên. Người dân quê bước trên đường làng cũng chỉ là chân trần chứ chưa có guốc, dép như sau này. Đi trên đường làng, gan bàn chân tiếp đất, dẫm lên cỏ... mới thấy hết được niềm gắn bó, nỗi giao hòa âm dương, người và vật. Lớn lên đi xa vẫn không thể nào quên được con đường làng với "hai bên cỏ xanh mướt, giữa đất đỏ mịn màng" của thủa thơ ấu ngày nào...

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc