Xếp hàng mua gạo
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cho đến tận trước năm 1986, hầu như mọi thứ liên quan đến cuộc sống của người dân đều do Nhà nước bao cấp (còn gọi là “thời bao cấp”).
Chuyện xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm… là chuyện hết sức bình thường. Nó liên quan đến những vuông giấy nho nhỏ như hình những con tem thư - đó là chiếc tem phiếu phân phối và một cuốn sổ ngoài bìa đề là “Sổ mua lương thực”.
Nhiều thứ liên quan đến tem phiếu: cân gạo, lạng đường, lạng thịt, lít nước mắm, cho đến mét vải may áo quần… Ai chẳng may để rơi mất cuốn sổ hoặc mảnh giấy con con ấy thì coi như “treo niêu”. Có lẽ câu nói diễn tả tâm trạng buồn lo, hớt hải của một người: “Hớt ha hớt hải như mất sổ gạo”, hoặc “Mặt nhăn như tem ướt”… cũng xuất phát từ thời kỳ này. Tiêu chuẩn lương thực, dầu mỡ, mắm muối được phân phối theo thứ bậc, địa vị công việc; cán bộ khác người dân, quan chức khác viên chức… tùy theo mức độ cao thấp mà được hưởng số lượng, tiêu chuẩn khác nhau.
Chính vì chế độ bao cấp nên hàng hóa làm ra đều phải bán cho Nhà nước để Nhà nước phân phối lại. Con lợn nuôi cả năm, đến kỳ giết thịt thì phải cân bán cho hợp tác xã chứ tuyệt đối không được tự động giết thịt chia nhau, cũng như hạt lúa làm ra phải thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ cho Nhà nước rồi sau đó mới được chia theo số điểm đã làm trong vụ. Từ đó đã có những chuyện cười ra nước mắt: gia đình nọ nuôi được con lợn, khi lợn lớn được khoảng hai chục cân, thèm ăn thịt quá mới ngầm rủ anh em trong họ mang giết lậu để chia nhau. Đợi khoảng một giờ sáng, khi xóm làng đã ngủ yên mới thít mõm lợn thật chặt để khỏi phát ra tiếng kêu rồi bỏ trong bao tải mang xuống thuyền chở ra giữa sông để… giết thịt. Tất cả từ chuyện chọc tiết, cạo lông, làm lòng đến xẻ thịt… đều phải tiến hành trong im lặng, dưới ánh trăng suông lờ mờ và làn sương đêm giăng kín mặt sông; vậy mà vẫn bị lộ, vẫn bị đội dân quân của làng ập đến… bắt sống. Hoảng quá, anh con trưởng đẩy tất cả “tang vật” xuống sông hòng xóa vết tích nhưng cái xác lợn mới rửa xong cùng những mớ lòng lợn lùng nhùng với gan phèo phổi chẳng chịu chìm ngay mà cứ nổi lều phều… đã phản lại gia chủ. Nhà ấy đã chẳng được ăn lại còn bị phạt nặng, bị xã gọi lên bắt viết kiểm điểm rồi nêu tên trong buổi họp làng; xấu hổ đến nỗi cả một thời gian dài ra đường chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai…
Chuyện xếp hàng cũng có nhiều hình, nhiều vẻ. Trước tiên là để ý cái biển treo trước cửa hàng lương thực thực phẩm xem hôm ấy bán những gì. Nhộn nhịp nhất là hôm nào cửa hàng bán thịt lợn. Cán bộ thì được tiêu chuẩn mỗi tháng một kilôgam, viên chức thì được năm lạng, nông dân được ba lạng, cắt theo ô tem phiếu. Có một câu thành ngữ phổ biến thời bấy giờ “quý như mì chính cánh”, tức bột ngọt bây giờ và thịt lợn khi ấy cũng hiếm như vậy nên nhà nào nhà nấy rủ nhau xếp hàng từ sáng sớm để mong đến lượt được cầm lạng thịt, cân xương đã chờ đợi cả tháng trời. Cảnh xếp hàng rồng rắn nhưng rất trật tự; nhà nào bận thì cho trẻ con đi xếp hàng rồi áng chừng đến lượt thì quay trở lại để cắt phiếu trả tiền. Bọn trẻ không chịu được thời gian chờ đợi lâu, lại thêm cảm giác ngột ngạt vì phải đứng sau những cái lưng to bè của người lớn ở đằng trước, nên đã tìm viên gạch hoặc cục đá đặt thế chỗ rồi nhảy ra ngoài chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm. Mải chơi, khi quay trở lại thì “kẻ thế chỗ” kia đã bị đẩy ra rìa hoặc nằm mãi cuối hàng. Cũng có lần, kiên nhẫn chờ cả tiếng đồng hồ nhưng khi đến được cái bàn bán thịt thì cô mậu dịch viên thông báo: “Hàng đã hết, bà con vui lòng ra về, ngày mai ra mua tiếp”. Thế là, nỗi buồn vì bữa cơm hôm ấy không có đĩa thịt ngon chiêu đãi cả nhà cứ đeo đẳng trong tâm trí suốt cả ngày…
Thực phẩm thì vậy, mặt hàng lương thực cũng không khá hơn. Nhà thằng Trường, thằng Thông có bố làm cán bộ nên được đong gạo hằng tháng. Muốn mua gạo phải lên tít cửa hàng chợ Thông cách nhà chúng cả 6-7 cây số. Hai đứa mượn hai xe đạp đi từ sáng sớm để kịp xếp hàng. Chiếc bao tải đay to tổ chảng, đổ 13 kg gạo vào cứ dúm dó như bị ăn mày. Gạo kho để lâu bốc mùi mốc ẩm khiến hai đứa hắt xì hơi suốt quãng đường về. Không phải lúc nào cũng có gạo, có tháng tiêu chuẩn gạo bán kèm theo hạt bo bo khô khốc, nấu phải ninh mãi mới nhừ…
Chuyện xếp hàng còn duy trì mãi cho đến sau này: xếp hàng mua vé tàu, xếp hàng mua vé xem phim; ở thành phố thì xếp hàng lấy nước sinh hoạt, xếp hàng mua chất đốt… Ai đã trải qua thời kỳ gian khó ấy sẽ còn nhớ câu: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” để nhắc nhở về sự nhường nhịn, về phép cư xử trong cách sống, trong sinh hoạt, trong đó có việc cư xử văn minh, trật tự khi… xếp hàng.
Đinh Hữu Trường
Ý kiến bạn đọc