Multimedia Đọc Báo in

Gia phong

14:33, 23/04/2010

Ngày xưa dưới thời phong kiến, họ hàng, dòng tộc là cốt lõi cho sự phát triển của mỗi gia đình; nhiều gia đình, dòng tộc hưng thịnh qua rất nhiều đời. Có được sự bền vững đó là do gia đình dòng tộc ý thức xây dựng, gìn giữ nền nếp gia phong của gia đình, dòng tộc mình.

 

Người xưa đã có câu “Con hơn cha là nhà có phúc” nhằm nhắc nhở con cháu chăm lo tu dưỡng học tập rèn luyện để kế tục truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc. Từ những gia đình gia giáo đến những gia đình lao động chân tay đều vẫn giáo dục con cái: “Con nhà có cha, có mẹ, con nhà có giáo dục gia phong”. Gia đình nào, dòng tộc nào có gia phong nền nếp kỷ cương tốt thì gia đình, dòng tộc đó có sự đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, làm ăn phát đạt, được làng nước kính trọng. Chính nhờ có gia phong đã tạo nên sự gắn bó giữa gia đình và xã hội, giữa xã hội và dòng tộc họ hàng gia đình; tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa cá nhân với cộng đồng làng xã. Vậy gia phong chính là nếp sống của từng gia đình, nhưng vẫn phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Đó là danh dự truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng họ, nhằm giúp cho mọi thành viên trong gia đình có ý thức vươn lên vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống. Gia phong còn mang tính lịch sử, tính dân tộc. Từ xa xưa dân tộc ta rất coi trọng đạo lý làm người, uống nước nhớ nguồn. Nên tư tưởng cốt cách của gia phong nói theo nghĩa hẹp trong một gia đình, dòng tộc là: Con cái phải có  hiếu với ông bà cha mẹ; có tình, có nghĩa với vợ, chồng, anh em, bà con họ hàng lối xóm… Xã hội dù có phát triển văn minh hiện đại đến đâu đi nữa, thì gia đình vẫn là mối quan hệ trực tiếp giữa vợ chồng, ông bà, cha mẹ và con cái. Đó là chất keo vô hình gắn mọi thành viên trong gia đình lại thành một khối bền vững. Một số người lầm tưởng rằng có tiền là có tất cả. Họ xem thường tình cảm cha con, mẹ con, coi nhẹ tình nghĩa vợ chồng. Họ xem gia đình không phải là tổ ấm mà biến nó thành nơi ngủ trọ nghỉ chân. Họ luôn đòi hỏi cho mình mà quên đi nghĩa vụ đền ơn công sinh thành dưỡng dục ra mình. Những gia đình như vậy có còn gọi là gia đình có gia phong nữa không?
Dù ở thời đại nào thì gia phong vẫn là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách đạo đức, phẩm chất lối sống của mỗi con người.

Hoàng Bích Hà

 


Ý kiến bạn đọc