Multimedia Đọc Báo in

Cây bàng hiệp sĩ

08:36, 19/09/2010

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, xây dựng Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1896. từ 1899 về sau bao thế hệ chiến sĩ yêu nước đã bị tù đày, đánh đập hoặc sát hại ở đây.

Nhà tù Hỏa Lò trong lòng Hà Nội thuở ấy khi trời quang, mây tạnh thì suốt ngày tràn ngập nắng và nóng. Chính vì lẽ đó, một số người “tù đã thành án” hằng ngày được sang khu vực tòa án dọn vệ sinh đã bứng những cây bàng mọc hoang trên các lùm cỏ dại về trồng trên sân trại giam. Tán bàng xòe như chiếc lọng. Vào mùa hè, bàng tỏa bóng che chở cho những người tù lao động khổ sai trên nền sân bê tông Hỏa Lò. Từ 1930-1954, mỗi lần những người tù ra sân làm vệ sinh, tắm giặt xong thường ra sum vầy dưới gốc bàng để tận hưởng cái dịu mát của những làn gió nhẹ thoảng qua dưới bóng râm của những tán bàng. Cây bàng vốn thân thiết với người tù Hỏa Lò. Nhân hạt bàng dùng để bồi dưỡng lúc yếu mệt; lá bàng sắc uống để chữa tiêu chảy và lỵ; nước sắc vỏ vàng rửa các vết thương, vết loét; dùng lá bàng bánh tẻ nhai nuốt hoặc sắc uống để chữa cảm nóng, làm cho ra mồ hôi; lá bàng tươi giã nát, hơ nóng chườm và đắp vào những nơi đau nhức do đòn roi của bọn chúa ngục đánh đập.

Lúc thiên nhiên đã khoác lên mình cây bàng tấm áo choàng màu nâu nhạt của những cành lá héo khô thì người tù ở Hỏa Lò vẫn cảm thấy sung sướng khi lấy được những nhành bàng non làm cán bút (ngòi bút là hoa ti gôn), hoặc dùng nhành bàng non rỗng làm kỷ vật tặng bạn hay người thương.

Trong Nhà tù Hỏa Lò, có những cây bàng cao tuổi, ước khoảng gần trăm năm. Và cây bàng đã được ngợi ca:
Gió xào xạc vòm lá
Trăng lên treo đầu cành
Cây bàng như hiệp sĩ
Đứng vững giữa đề lao
Cây bàng nhiều tuổi thế
Vóc dáng vẫn trẻ tươi
Bởi bàng là hiệp sĩ
Niềm tin của cuộc đời

Ngay trên khu đất Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng đã nhiều năm chứng kiến lịch sử với bao nỗi niềm của người tù nơi đây. Đến nay bàng vẫn đứng bên hai tòa nhà chọc trời vừa dựng lên. Bởi thế, Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo Thủ đô đã nhiều lần ra quyết định giữ lại 2.434 m2 đất Nhà tù Hỏa Lò làm di tích lịch sử, giữ lại cây bàng đứng giữa trại D và trại E, vọng gác, trại lô cốt để phục chế caxô (hầm tối), khu xà lim tử hình, khu để máy chém, sân hành quyết… và xây dựng đài tưởng niệm. Các đồng chí Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Phú Trọng đã đến nơi này đặt hoa, thắp hương tưởng niệm chiêm ngưỡng cây bàng lịch sử.

Với khu di tích cách mạng, với cây bàng Hỏa Lò còn đó mãi mãi giá trị lịch sử ghi sâu đậm những gương trung kiên của các anh hùng liệt sĩ đã tô đậm truyền thống quang vinh của cách mạng Việt Nam.

Trần Thị Hoạt (st)

 


Ý kiến bạn đọc