Multimedia Đọc Báo in

Nhân tài đất Việt

Phụ tử đồng đăng khoa

09:08, 26/12/2011

Cụ Đào Toàn Bân (tức Đào Toàn Mân, Đào Toàn Phú), sinh năm Mậu Thân (1308) tại làng Song Khê, xã Song Khê (Yên Dũng, Bắc Giang). Từ nhỏ cụ đã tỏ ra là người thông minh, hiếu học. Năm 16 tuổi (1324) thi đỗ Trung Khoa (Hương Cống) đứng đầu bảng, đến năm 1352 đời vua Trần Dụ Tông cụ mới dự kỳ thi Thái học sinh và đỗ Đệ nhị Giáp Tiến sĩ, sau đó được bổ làm quan ở Phủ Thiên Trường (vùng Cổ Lễ, Nam Trực, Nam Định ngày nay). Cụ đã đưa một phần gia đình xuống đây và vận động nhân dân khai hoang lập ấp, lấy tên là “làng Song Khê”. Cụ được thăng quan đến chức “Lễ Bộ Thượng Thư”, “Tham Tri Thẩm hình viện sự”. Cụ còn có công dạy con trai thành tài và nhiều học trò đỗ đạt cao. Nhà giáo Chu Văn An đã tặng cụ 4 chữ “Đại sư vô nhị” (người thầy có một không hai). Năm Bính Dần (1386) đang cùng với con là Đào Sư Tích làm quan trong triều đình thì cụ đột ngột qua đời (ngày 10-10).
Đào Sư Tích sinh năm Mậu Tý (1348) là con trai Tiến sĩ Đào Toàn Bân. Từ nhỏ Đào Sư Tích đã tỏ ra thông minh khác người, lực học vượt đồng môn, lại có tài ứng đối và năng khiếu về thơ phú. Từ sự hiếu học cộng với lòng quyết tâm học tập nên các kỳ thi Hương, thi Hội, Đào Sư Tích đều đỗ đầu bảng. Tháng 2 năm Giáp Dần niên hiệu Long Khánh 2 (1374) trong kỳ thi Đình ông đã đỗ Trạng nguyên đứng đầu bảng. Tháng 5-1381 Đào Sư Tích được bổ nhiệm giữ chức “Nhập nội hành khiển – Hựu ty lang trung”, sau được phong tước “Mậu quốc công”. Tháng 12 năm Quý Hợi (1383) đời vua Trần Phế Đế (1377-1388), Đào Sư Tích được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tin yêu giao cho viết bài tựa tập sách “Bảo hòa dư bút” gồm 8 quyển nhằm răn dạy vua nối ngôi. Tính ông ngay thẳng, trung thực nên có một số người không ưa. Năm Nhâm Thân (1392) Đào Sư Tích bị Hồ Quý Ly giáng chức xuống làm quan “Trung thư thị lang”. chán cảnh nghịch thần chuyên quyền, ông cáo quan về quê mở nghề làm thuốc và dạy học. Tương truyền thời gian này ông lên cư trú tại xã Lý Hải (nay thuộc thôn Lý Hải, xã Phú Xuân – huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1394 nhà Minh có nhiều yêu sách, gây khó khăn nhằm xâm chiếm nước ta, bắt cống nạp nhiều lễ vật. Vua Trần biết Đào Sư Tích là người có tài ứng xử, học nhiều hiểu rộng, biết cách bang giao liền xuống chiếu cho mời ông về triều và cử đi sứ sang nhà Minh. Với tài năng của mình, Đào Sư Tích đã thuyết phục được vua Minh xóa bỏ được các lệ cống nạp hằng năm giữa nước Việt với nhà Minh.

Ngày 4-9 năm Bính Tý (1396) Đào Sư Tích qua đời đột ngột trong thời gian đi sứ, thọ 49 tuổi. Thi hành được đưa về nước mai táng tại Phủ Thiên Trường. Tưởng nhớ công lao của ông, các quan thái thú, tổng lý, hương hào vùng Cổ Lễ đã lập đền thờ thờ ông cùng với cha là Đào Toàn Bân (nay thuộc làng Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Đền thờ đã được Bộ VH-TT và Du lịch công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa” cấp nhà nước vào năm 1996.

Trần Văn Lợi (st)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.