Độc đáo gỏi Nam trân
Bòn bon là loại trái cây đặc sản Quảng Nam, được trồng chủ yếu ở 2 huyện Tiên Phước và Đại Lộc. Bòn bon ra hoa vào tháng tư âm lịch, từng chuỗi hoa màu trắng xen vàng lấp lánh, thơm lừng trong gió. Đến chừng tháng bảy bòn bon kết trái, đến tháng chín, mười là thu hoạch. Mùa bòn bon chín chỉ kéo dài chừng một tháng. Khi chín trái có màu vàng nhạt như mỡ gà, nom rất đẹp. Quả có từng múi, mỗi múi mang một hột bên trong. Hạt bòn bon rất đắng nên khi ăn chỉ “nhấp nháy” để thưởng thức cái mùi vị thơm ngọt của bòn bon rồi nuốt luôn cả hột vì không tách riêng được múi với hạt. Có truyền thuyết rất thi vị về trái bòn bon: Vào mùa hè năm Ất Mùi, Đức Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn (vua Gia Long) khi còn chống Tây Sơn đã có lần nhờ trái bòn bon của Đại Lộc để đỡ đói trên bước đường bôn tẩu nên loại trái này được mệnh danh là "Nam trân" (trái quý ở phương Nam) từ đó.
Mấy năm gần đây, phong trào ẩm thực càng ngày càng đa dạng và phong phú thì bòn bon, thứ quả đặc sản Quảng Nam cũng được các nhà hàng chế biến thành món gỏi bòn bon tôm thịt rất thơm ngon, đặc sắc. Món ăn này được các chuyên gia ẩm thực đánh giá cao về dinh dưỡng, sức khỏe và nghệ thuật trang trí. Cách làm gỏi như sau: Rửa tay sạch sẽ, tách từng múi bòn bon loại trái to, bóng mẩy khoảng 1 bát ăn cơm. Thịt ba chỉ luộc chín, thái mỏng. Tôm sú luộc (bỏ 1 ít vỏ chanh vào), bóc vỏ, bỏ đầu, đuôi. Mè trắng rang vàng. Ớt bằm và thái sợi 1 ít dùng để trang trí. Tỏi băm nhuyễn. Chanh (1 trái) vắt lấy nước cốt. Rau răm thái nhỏ. Làm nước trộn gỏi: Chanh vắt nước cốt + 1 muỗng đường + 1/2 muỗng muối + 1 muỗng tỏi băm + 1 muỗng ớt bằm + 1 muỗng nước mắm ngon trộn đều. Tiếp đến, cho bòn bon đã tách múi vào tô + tôm + thịt ba chỉ + rau răm. Tiếp theo, đổ nước trộn gỏi vào trộn đều. Rắc mè rang và bóp bánh phồng tôm, ớt thái sợi lên trên. Món “gỏi Nam trân” có vị chua ngọt của bòn bon ở xứ núi vùng cao; thơm của mè rang, hành phi ở đồng bằng; ngọt đậm của tôm ở xứ biển khơi rì rào sóng vỗ; dòn tan của bánh phồng tôm... Món gỏi này, chứa nhiều dinh dưỡng, vitamine… để lại dư vị khó quên cho thực khách.
Mấy năm gần đây, thị trường trái cây trong nước xuất hiện “bòn bon ngoại”, trái lớn và ngọt. Tuy nhiên loại “Thái trân” này ăn tươi thì rất ngon nhưng làm món gỏi thì không đạt do vượt quá “ngưỡng ngọt” của món gỏi bòn bon.
Tùng Sơn
Ý kiến bạn đọc