Multimedia Đọc Báo in

Xuân về nói chuyện hái lộc đầu năm

22:44, 23/01/2012

Từ lâu, phong tục đi hái lộc vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm để cầu may mắn, bình an, hạnh phúc đã trở thành một nét văn hóa rất riêng của người Việt. Trong những năm gần đây, phong tục ấy đã và đang được giới trẻ hưởng ứng rầm rộ hơn, thế nhưng ý nghĩa đầy nhân văn của nó lại đang mai một dần...

Ngày còn bé, mỗi khi được bố mẹ cho về quê đón Tết cổ truyền cùng ông bà, tôi thấy thích thú vô cùng, bởi về quê ăn Tết cũng đồng nghĩa là được cùng ông bà gói bánh chưng, được xem mọi người mổ heo, giã giò, làm nem... (những việc mà những đứa trẻ thành thị rất ít được thấy trong ngày Tết), rồi còn được cùng bà lên chùa hái lộc đêm giao thừa. Có lẽ, điều tôi mong chờ nhất khi được về ăn Tết cùng ông bà là được theo bà lên chùa hái lộc đêm giao thừa, vì ở nhà tôi, chẳng khi nào bố mẹ cho anh em tôi đi đâu vào thời khắc thiêng liêng ấy cả. Rồi điều mong chờ cũng đã đến, khi đồng hồ điểm chuông báo hiệu năm mới cũng là lúc bà bày cỗ lên bàn thờ, thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, sau đó bà dắt tôi lên chùa cầu an và hái lộc. Mặc dù đêm tối nhưng chùa rất đông người và khói nhang nghi ngút. Đặt lễ, thắp nhang khấn vái cầu an cho gia đình, con cháu xong, bà dắt tôi ra phía trước sân chùa hái một cành đa nhỏ bỏ vào thúng mang về cắm lên bàn thờ. Trong suy nghĩ trẻ thơ ngày ấy, tôi chẳng hiểu bà làm vậy có ý nghĩa như thế nào nhưng cũng bắt chước bà hái một cành đa nhỏ mang về theo. Sau này lớn lên, giở sách ra đọc tôi mới biết đầy đủ ý nghĩa của việc hái lộc bà thường làm mỗi đêm giao thừa. “Lộc” là nhánh non vừa nhú, lại trùng âm với bổng lộc, ân huệ nên vào thời khắc giao hòa giữa đất trời ông bà ta thường hái một cành đa, cành đề, cành si hay những loài cây quanh năm tươi tốt ở nơi thiêng liêng như đình, chùa hoặc những nơi thanh tao để mang về cắm lên bàn thờ xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới.

Lớn lên, Tết đến, tôi vẫn giữ thói quen lên chùa hái lộc đêm giao thừa, nhưng không còn cơ hội đi cùng bà nữa mà thay vào đó là đi cùng gia đình, bạn bè. Năm nào vào đêm giao thừa người lên chùa cũng đông như hội và thi nhau hái lộc cầu may. Thế nhưng, giờ đây, người lên chùa chẳng có mấy ai tìm cành đa, cành đề để hái như bà tôi trước đây mà chỉ tranh nhau hái cành non, lộc nõn của cây cối trong chùa. Trong số những người lên chùa đêm giao thừa, phần đông luôn là những nhóm thanh niên. Họ rủ nhau lên chùa hái lộc theo “phong trào”, hái cho vui chứ chẳng mấy người quan tâm đến ý nghĩa thật của việc làm ấy. Nhiều nhóm thanh niên, nhất là những nhóm có lứa tuổi mười tám, đôi mươi còn thi nhau hái lộc, hái được rồi thì mang lộc ra so, ai hái được cành to, bông đẹp thì hả hê, người nào hái được cành héo, bông tàn thì nhăn mặt. Một lúc sau, chán trò hái lộc rồi thì vứt bỏ cả lộc vừa hái để tìm đến điểm vui chơi khác, rồi chẳng biết, trong số ấy, có ai còn nhớ mang cành lộc về cắm lên bàn thờ để cầu may cho gia đình!? Và sau mỗi đợt người ùn ùn kéo đến hái lộc như thế, cây cối trong chùa trở nên tan hoang, trơ trụi như vừa có bão đi qua. Có lẽ, cũng chính vì thế mà mới có chuyện ở nhiều ngôi chùa, các sư, các thầy phải đặt riêng một số chậu hoa kiểng ngoài sân, thậm chí một số nơi, nhà chùa còn cất công làm những cành lộc tượng trưng treo lên những cây nêu để phật tử hái lộc, nhằm tránh tình trạng hái lộc tràn lan ảnh hưởng đến quang cảnh nhà chùa.

Trong thời khắc giao hòa giữa đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích, bởi ai cũng mong muốn mang về những điều tốt đẹp. Song, với quan niệm “hái được cành lộc càng to thì tài lộc đến càng nhiều”, “hái lộc cho giống với người ta” ở không ít người thì ý nghĩa của phong tục hái lộc đầu Xuân đã bị hiểu sai và hậu quả là những cây xanh tốt trong chốn linh thiêng chỉ sau đêm giao thừa trở nên xơ xác, trơ trụi, thậm chí là gẫy nát. Trên thực tế, những việc làm thiếu ý thức ấy không chỉ làm cho ý nghĩa nhân văn của phong tục “hái lộc Xuân” bị mai một mà còn trực tiếp hủy hoại môi trường sống, cảnh quan và không gian sống xung quanh của chính chúng ta.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc