6 thảm họa hàng không do máy tính gây ra
Kinh tế phát triển, phương tiện hàng không được xem là sự lựa chọn hàng đầu cho việc di chuyển. Tuy nhiên trong những năm gần đây sự cố hàng không lại có chiều hướng gia tăng làm cho không ít người hoang mang, lo ngại. Một trong những nguyên nhân gây tai nạn là lỗi của hệ thống đồng hồ đo, của máy tính như 6 vụ điển hình dưới đây.
1. Chuyến bay 72
Ngày 7-10-2008, chuyến bay 72 của hãng hàng không Qantas (Australia) đang trên đường bay từ Perth, khi đến gần Singapo đã gặp sự cố do hệ thống máy tính bị trục trặc. Cụ thể là hệ thống tham chiếu dữ liệu trên không của máy bay Airbus 330 bị trục trặc, tạo ra hàng loạt những thông tin sai lệch trên màn hình. Lỗi máy tính kéo theo hàng loạt lỗi cơ khí nghiêm trọng khác, đặc biệt là làm cho máy bay tụt độ cao đột ngột 100 feet (khoảng 33m), phi công lẫn hành khách bị “tra tấn” trên máy bay, có người đầu bị đập vào trần máy bay. Sau khi phi công chuyển sang chế độ điều khiển thủ công, máy bay vẫn còn sóc, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Learmonth ở miền Tây Australia. Hậu quả làm cho 115 hành khách trong số 315 nguời đi trên máy bay bị thương và dẫn đến vụ kiện hãng hàng không Qantasdiễn ra ngay sau đó của 150 hành khách.
2. Chuyến bay 296
Ngày 20-6-1998, chuyến bay 296 của hãng hàng không Air France (Pháp) đang trên hành trình Mulhouse-Habsheim thì hệ thống đồng hồ đo của máy bay Airbus A 320-111 bị trục trặc. Thay vì đáp xuống sân bay, máy bay lại bỏ qua sự điều khiển của con người, bay cực chậm và lao xuống đất làm 3 trong số 136 hành khách bị thiệt mạng. Qua điều tra, các nhà chức trách cho biết lỗi là do phi công đã cho máy bay vận hành ở tốc độ cực thấp, chính điều này đã làm cho hệ thống máy tính không thể vận hành đúng chức năng. Còn theo Asseline - phi công lái máy bay này, công-tơ-mét của máy bay báo sai dữ liệu, cho biết máy bay đang ở độ cao 100 feet so với đường băng nhưng thực tế chỉ có 30 feet (9m). Đây là lỗi do hệ thống máy tính, đồng hồ của máy bay đã vượt qua sự điều khiển của con người khi dùng ở chế độ điều khiển tự động. Ngoài các nguyên nhân trên, hai phi công A320 khác cũng cho biết họ "suýt chết" vì sự cố đồng hồ đo.
3. Vụ tai nạn máy bay lên thẳng Chinook
Ngày 2-6-1994, máy bay lên thẳng Chinook chở 29 người đã đâm đầu vào dải đất Kintyre ở Scotland làm cho toàn bộ số người đi trên máy bay bị thiệt mạng. Trong nhiều năm người ta tình nghi lỗi của phi công nhưng cuối cùng phát hiện thấy lỗi đích thực là do sự cố phần mềm. Bằng chứng, trước 9 tháng xảy ra tai nạn, Bộ Quốc phòng Anh đã đề nghị kiểm tra hệ thống giám sát kỹ thuật số khống chế động cơ (FADEC) được dùng cho máy bay Chinook để phòng ngừa sự cố xảy ra nhưng yêu cầu này đã bị bỏ qua. Còn theo kết quả điều tra của Hạ viện thì có tới 486 lỗi "bất thường" liên quan đến phần mềm của máy bay. Năm 2001, chuyên gia điều tra máy bay Chinook, Robert Burke khẳng định nguyên nhân gây tai nạn chính là hệ thống FADEC, nó làm cho hệ thống động cơ hoạt động sai. Với những bằng chứng này, năm 2011 việc cáo buộc lỗi phi công đã được gỡ bỏ, tuy nhiên đến nay nguyên nhân đích thực gây ra tai nạn nói trên vẫn được xem là bí ẩn.
4. Chuyến bay 603
Do công tác duy tu bảo dưỡng kém, đặc biệt là hệ thống máy tính và đồng hồ đo đã dẫn đến tai nạn cho máy bay Boeing 757 của hãng AeroPeru (Pêru) đang trên đường đi từ Pêru sang Chilê ngày 2-10-1996. Ngay sau khi cất cánh, cả 3 đồng hồ đã bị kẹt; đặc biệt, đèn báo Proximity Indicator còn phát tín hiệu máy bay có nguy cơ lao đầu xuống đất, trong khi đó đèn báo độ cao thì lại cho biết máy bay đang độ cao 10.000 feet trên mặt đất (khoảng 330m). Tốc độ đăng ký là 0 nhưng phi công lại được thông báo máy bay đang bay lên. Sự cảnh báo lộn xộn này đã làm cho phi công mất hướng, làm cho máy bay đâm đầu xuống biển, 70 người bị thiệt mạng. Sau này qua điều tra giải mã các số liệu hộp đen cho thấy hệ thống máy tính của Boeing 757 đã bị trục trặc, tiếp nhận và giải mã thông tin không chính xác.
5. Chuyến bay 574
Ngày 1-1-2007 đã xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng đối với máy bay Boeing 737, chuyến bay 574 của hãng Adam Air (Indonesia) trên đường từ Polewali, Tây Sulawesi do hệ thống định vị của máy bay đã gặp trục trặc. Các chuyên gia kỹ thuật cố gắng khắc phục sự cố nhưng đáng tiếc họ đã vô tình ngắt kết nối tự động, quên kiểm tra độ cao máy bay và vị trí trên các thiết bị đo lường khác của buồng lái. Hậu quả máy bay lao xuống biển, tất cả 96 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn bị thiệt mạng. Sau này qua điều tra của Ủy ban Quốc gia về giao thông Indonesia đã phát hiện thấy nguyên nhân gây tai nạn là do hệ thống đồng hồ đo cùng với lỗi của phi công và nhân viên kỹ thuật. Trước đó các máy bay của hãng Adam Air đã gặp phải nhiều rắc rối tương tự nên đã bị cấm vào Liên minh châu Âu (EU), bị Chính phủ Indonesia cấm hoạt động và cuối cùng phải đệ đơn xin phá sản.
6. Chuyến bay JK 5022
Mặc dù đây cũng là lỗi của máy tính song nguyên nhân đích thực là do vi rút đã gây tai nạn đối với chiếc máy bay khổng lồ McDonnell Douglas MD - 82. Vào ngày 20-8-2008, chuyến bay 5022 của hãng hàng không Spanair (Tây Ban Nha) trên hành trình từ Madrid Barajas đi Gran Canaria Airport. Tai họa xảy ra khi máy bay vừa cất cánh từ đường băng đã lao ngay xuống đất, vỡ thành nhiều mảnh, làm 154 trong số 172 người trên máy bay bị thiệt mạng, kể cả toàn bộ tổ lái. Ban đầu người ta cho rằng lỗi của tổ lái do không thiết lập được cấu hình cho hệ thống cảnh báo khi xuất phát (TWS) để máy bay báo hiệu khi gặp sự cố. Sau này qua điều tra cho thấy lỗi là do máy tính không phát hiện các vấn đề kỹ thuật, nguyên nhân bị vi rút tấn công, nhưng đáng tiếc công tác kiểm tra trước khi xuất phát lại không được chấp hành nghiêm túc. Đây là tai nạn chết người thứ 14 và là tai nạn thứ 24 có liên quan đến máy bay dòng MD-80.
Duy Hùng (Theo BCSD.- 3/2014)
Ý kiến bạn đọc