Multimedia Đọc Báo in

Cần lắm sự cảm thông

09:54, 13/04/2014
Mỗi độ tuổi, người ta có tâm tính và sở thích khác nhau do đó thường xảy ra xung khắc giữa các thế hệ trong gia đình và xã hội. Do đó, rất cần sự cảm thông thay vì áp đặt ý mình với người khác để tránh phiền lòng, tổn thương cho nhau. Sau đây, người viết xin kể vài trải nghiệm liên quan vấn đề này.

Gần 30 năm trước, tôi ngoài 20 tuổi, ra trường, về nhận nhiệm sở ở một cơ quan nghiên cứu. Doanh trại đơn vị đang sửa sang nên tạm thời tôi được xếp ngủ cùng phòng người chỉ huy trực tiếp lớn hơn gần 20 tuổi. Cảm giác khó chịu cho cả hai bắt đầu nảy sinh từ những khác biệt về thói quen, sở thích do tuổi tác đem lại. Trong khi người trẻ thì ngủ muộn dậy muộn, lại thích bật quạt vù vù, mở điện sáng trưng, vặn đài thật to... thì người lớn tuổi hơn thích điều ngược lại. Có khi chỉ vì người trẻ vô ý chạy lên cầu thang gây ồn ào khiến người kia mất ngủ, sinh ra bực mình, cáu gắt. Và nữa, cách đi đứng, nói năng, ăn mặc có vẻ “phủi” của người trẻ lắm lúc khiến người lớn hơn dị ứng. Tôi nhiều lần bị chỉ huy phê bình ăn mặc không đúng tác phong, đi chơi về trễ giờ quy định dù chỉ vài phút hoặc nói năng thiếu nghiêm túc... Bị phê bình, tôi “cú” người chỉ huy đáng tuổi cha chú của mình.

Cảm giác ấy tất nhiên biến mất từ lâu. Hơn nữa, giờ đây, tôi còn nhận ra, quan hệ giữa tôi với con trai cũng có những khó chịu na ná như giữa người chỉ huy với tôi gần 30 năm trước. Cháu cũng có những thói quen giống bố ngày trẻ; cũng thức khuya dậy trễ, ham vui với bạn bè, cố thể hiện mình qua cách ăn mặc nói năng; thích sự náo nhiệt... trong khi bố không thích thế. Lắm lúc không ưa hành vi, sở thích của con, có khi chỉ vì kiểu tóc hay kiểu trang phục nhưng nhớ mình ngày trẻ, tôi cố dằn lòng.

Bàn những khác biệt về tâm tính do tuổi tác đem lại, tôi xin kể chuyện liên quan cha mình. Khi ngoài tuổi 80, tính cụ thay đổi rất nhiều. Lắm lúc con cháu nói phải nhưng cụ vẫn bảo thủ ý mình. Vừa rồi, tôi về quê trông coi việc xây dựng nhà cho cha mẹ nhưng không bàn góp được gì. Trong khi gia đình có khả năng làm nhà đàng hoàng nhưng cụ cứ bàn lùi, nhất quyết làm nhỏ, với chi phí thấp nhất có thể; lý do cụ đưa ra là “đất dưới chân há mồm chờ nuốt rồi, nhà to để làm gì!?” Các con góp tiền lại để xây nhà nhưng cụ kiên quyết không nhận; đề nghị sửa thiết kế để có ngôi nhà đẹp như mong ước, cụ không ưng; nói nhiều quá thì cụ dỗi rồi... khóc vì cho rằng ý mình không được tôn trọng... Sợ chồng có lời không phải với cha, vợ tôi cảnh báo ngăn ngừa: “Khi bằng tuổi cụ, biết đâu anh còn không được như thế”.

Cũng có thể lắm chứ, nghĩ vậy nên tôi tự nhủ cần tránh những điều khiến cha phật ý phiền lòng.

Nguyễn Trọng Hoạt

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.