Multimedia Đọc Báo in

Soi người dễ ta

14:44, 06/04/2014
Soi mói, xét nét người khác nhưng dễ dãi với những sai trái của mình là thói xấu của không ít người. Ca dao có câu “ Chân mình bùn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người” chính là phê phán thói xấu này. Từ thôn xóm đến công sở, từ cá nhân đến tập thể, dường như ít hay nhiều đều mắc “bệnh” này.

Chẳng hạn, ở khu dân cư mình còn nhiều điều chưa tốt, cần được bàn góp để tìm cách khắc phục nhưng trong buổi họp thôn hay tổ dân phố, người ta cứ kể những chuyện không hay ở đẩu tận đâu. Những cái xấu nhãn tiền ở chỗ mình lắm khi không nhận ra nhưng lại biết chuyện dở trên tỉnh, trên huyện; rành cả việc quan chức này đang “lên”, ông chủ tịch kia sắp “rớt”. Và nữa, những chuyện không hay trong buồng trong bếp người khác cũng được lôi ra xầm xì bàn tán. Tương tự, trong những buổi phê bình kiểm điểm nội bộ, có những người phê phán rất hăng đối với… “mặt trái cùng những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường” hay đề cập chuyện xấu ở đâu đó nhưng lấp liếm qua loa khi nhắc khuyết điểm của cơ quan mình. Với không ít công chức, tiêu cực, tham nhũng hay suy thoái chính trị đạo đức xảy ra ở nơi khác, còn chỗ mình thì ngoại lệ. Thế mới có chuyện, trong khi đối với cả nước, thực trạng tham nhũng là nghiêm trọng nhưng rất nhiều địa phương báo cáo là không phát hiện thấy tệ nạn này.

Thói soi mói người khác còn diễn ra những lúc trà dư tửu hậu. Với không ít bữa rượu, “mồi nhậu” vô hình là những… chuyện xấu của ai đó, ở đâu đó; thậm chí có kẻ vô cảm đến mức hể hả khi kể điều không hay của người khác. Nhà văn vừa quá cố Nguyễn Quang Sáng có những câu thơ cảnh báo thực trạng này: “Bên mâm rượu/Nói xấu người vắng mặt/Rượu thành thuốc độc…”. Nếu “thuốc độc” trong trường hợp này là nghĩa đen thì chắc lắm người đã… tử vong ngay trên bàn nhậu.

Trong khi “nội soi” người khác theo kiểu “dòm qua ổ khóa nhà người ta” thì không ít kẻ dễ dãi với những khuyết tật của mình bằng cách che giấu hay đổ lỗi cho khách quan. Vẫn biết phê bình là giúp nhau tự hoàn thiện nhưng không phải ai cũng thoải mái chấp nhận điều này; tự phê bình trung thực lại càng khó. Trong nhiều trường hợp, người bị phê bình còn thâm thù, cay cú kẻ góp ý cho mình; đã thế, thật khó phục thiện, vươn lên, tinh thần cầu thị càng chẳng có.

Thiết nghĩ, rất cần sự khoan dung rộng lượng trước sai trái của người khác nhưng nghiêm khắc với điều tương tự của mình. Chẳng thế mà người xưa từng coi “tiên trách kỷ hậu trách nhân” là lối ứng xử đứng đắn, nên làm. Ngược lại, hãy coi việc soi mói, nói xấu sau lưng người khác là điều nên tránh.

Nguyễn Trọng Hoạt


Ý kiến bạn đọc