Multimedia Đọc Báo in

Phần nhiều do giáo dục mà nên…

08:24, 11/04/2015
Liên tục trong những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về các sự việc liên quan đến an ninh trật tự, từ chuyện học sinh gây gổ, đến hành hung theo kiểu giang hồ.
 
Đơn cử như vụ việc xảy ra tại tỉnh Tiền Giang mới đây, khiến hai học sinh Trường THCS Xuân Diệu, TP. Mỹ Tho là Lê Thanh Phong bị chấn thương nặng và Phạm Kỳ An  bị xây xát nhiều nơi trên cơ thể. Hai thủ phạm gây ra sự việc là Trần Bảo Trọng (SN 1995) và Nguyễn Phi Long (SN 1997), cùng ngụ phường 3, TP. Mỹ Tho làm theo sự nhờ vả của học sinh Nguyễn Minh Thành. Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do Thành có quen một bạn gái học cùng lớp với An, khi thấy An đưa hình bạn bè trong lớp lên Facebook thì Thành vào bình luận và xảy ra mâu thuẫn, nên đã dẫn đến sự việc trên. Hay như trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng vừa xảy ra vụ việc liên quan đến bạo lực đang gây xôn xao dư luận. Cụ thể, tối 1 – 4, Vương Quốc Trung (32 tuổi, trú tỉnh Sóc Trăng) cùng một nhóm thanh niên nhậu tại quán trên đường Lê Hồng Phong có xảy ra hiềm khích với nhóm của Phạm Văn Quốc Đạt (27 tuổi). Sau khi hai nhóm xô xát nhau, Đạt chạy về nhà mình trên đường Hồ Tùng Mậu (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) thì nhóm của Trung đuổi vào tận nhà đánh tiếp. Đạt cùng bố là ông Phạm Văn Hoàng và hai anh trai Phạm Văn Quốc Tuấn, Phạm Văn Quốc Hùng ra can ngăn thì bị nhóm của Trung dùng hung khí tấn công khiến anh Tuấn chết tại chỗ, ông Hoàng và anh Hùng trọng thương…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, trong đó, có những lý do hết sức lãng xẹt, nhiều khi chỉ vì một va chạm nhỏ mà người ta sẵn sàng “xử” nhau cho… bõ tức. Lý do đầu tiên người ta thường vin vào để giải thích cho hành vi manh động của mình là do… bia, rượu! Có người lại cho rằng, do áp lực trong cuộc sống dẫn đến tâm lý căng thẳng, dễ kích động, dẫn đến nóng nảy, mất kiểm soát nhất thời... Thôi thì có hàng trăm lý do được đưa ra, nhưng quan trọng nhất là tâm lý ăn thua đủ trong cách nghĩ của một bộ phận thanh thiếu niên dẫn đến hành động bạo lực, thói quen dùng nắm đấm, gậy gộc, dao kiếm… mà lẽ ra nên cư xử với nhau một cách ôn hòa, thân thiện thì mọi chuyện có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Trên thực tế, đã có nhiều bạn trẻ đã phải trả giá vì những hành vi nông nổi, hay có thái độ coi thường pháp luật, hành xử mang tính bạo lực dẫn đến những hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội. Có thể nói, tình trạng bạo lực trong một bộ phận thanh niên, giới trẻ (thậm chí có cả người lớn) không thể đổ lỗi hết cho môi trường xã hội mà còn do môi trường gia đình, dòng họ... Bác Hồ từng dạy: “Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Vì thế, để hạn chế bạo lực cần phải lấy gia đình làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ cần phải xây dựng môi trường sống tích cực, lành mạnh để hướng con cháu sống có nghĩa tình, biết thương yêu, đùm bọc nhau, có trách nhiệm với người thân, cộng đồng, và phải luôn ghi nhớ điều “mình vì mọi người và mọi người vì mình”.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc