Có nên dạy trẻ bằng đòn roi?
Trong cách giáo dục con cái hiện nay, nhiều gia đình cho rằng dạy con không thể không dùng đến đòn roi hoặc bạo lực. Liệu cách dạy con cái này có phù hợp?
Ông cha ta ngày xưa cũng quan niệm cần phải nghiêm khắc với con cái nên mới có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Dù chưa thể khẳng định việc dạy con bằng đòn roi là đúng hay sai nhưng chắc chắn rằng dùng đòn roi nên là hình phạt cuối cùng đối với trẻ khi mọi phương pháp uốn nắn khác đều không phù hợp và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, nhiều bậc cha mẹ do thiếu quan tâm con cái hoặc không kìm nén được nóng giận nhất thời đã mang con cái ra để la mắng, đánh đập, bạo hành. Điều này không chỉ khiến trẻ đau đớn về thể xác mà còn khiến trẻ rơi vào trạng thái hoảng sợ, ấm ức, không bằng lòng với hình phạt từ cha mẹ của chúng… Có thể ban đầu trẻ chỉ phản ứng lại bằng cách khóc lóc, van xin, bỏ chạy vì sợ bị đánh nhưng lâu dần trẻ sẽ trở nên lầm lì, cộc tính, chai sạn cảm xúc hoặc có những phản ứng khác như: cãi lại cha mẹ, bỏ trốn, bỏ nhà đi theo bạn bè hoặc một khi không còn coi gia đình là tổ ấm thì trẻ rất dễ sa ngã, đánh mất mình…
Trò chơi tuổi thơ. (Ảnh minh họa: Internet) |
Thực tế cho thấy, không ít gia đình vì cha mẹ bất hòa, xung đột nên thường xuyên xảy ra những cuộc cãi vã, thậm chí là bạo hành lẫn nhau… Chứng kiến những hành vi đó, tâm hồn của trẻ sẽ sớm bị ảnh hưởng, bị tổn thương.
Trẻ em thường hiếu động, ham chơi và thích được chiều chuộng nên nhiều khi sẽ có thái độ lì lợm, ngang bướng, cãi lại hoặc không nghe lời người lớn. Tuy nhiên, thay vì dùng những lời la mắng, đánh đập,… các bậc cha mẹ nên nói với trẻ nhẹ nhàng, giải thích cho trẻ hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai, việc gì nên làm, không nên làm. Khi trẻ đã hiểu thì chỉ cần nhắc nhở vài lần trẻ sẽ nhớ và không thực hiện các hành vi sai trái nữa.
Cha mẹ không chỉ là những người nêu gương mà còn phải cần học cách kiên nhẫn, học cách lắng nghe ý kiến của con trẻ để điều chỉnh sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, cha mẹ phải đóng vai trò như những “chuyên gia tâm lý” cho con trẻ, phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ với con, đồng cảm và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của con trẻ để có cách giáo dục hay uốn nắn phù hợp nhất.
Lương Hà
Ý kiến bạn đọc