Chống "vi rút" trì trệ!
Vừa qua dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tác động của tình hình dịch Covid-19, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Sau khi lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu về ảnh hưởng của dịch đến các lĩnh vực như du lịch, hàng không, công thương, nông nghiệp, lao động, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng…, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các ngành cần có đề án riêng để xử lý, giải quyết và chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay nhưng chúng ta cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Chống dịch quyết liệt, đồng bộ nhưng không phải đóng cửa, tất cả không hoạt động; không chỉ chống dịch bệnh do chủng mới của vi rút Corona mà còn phải chống cả “vi rút” trì trệ, dễ thấy nhất là lợi dụng diễn biến dịch, có tâm lý xả hơi, nghỉ ngơi sau Tết. Các đội phản ứng nhanh chống dịch Covid-19 đã được thành lập thì các ngành, các địa phương cũng cần chủ động thích ứng phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ nhưng bình tĩnh, kiên quyết, bảo đảm an toàn cho người dân; đi liền với đó, bảo đảm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp.
Khu vực dự kiến cách ly tài xế, lái xe sau khi vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Ảnh: B.Ngọc (TT) |
Với những khẳng định đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành, các địa phương phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các khu danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường. Đồng thời không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân ODA, FDI, đầu tư xã hội. Tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế. Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, không để tình trạng thiếu hàng, "găm" hàng, đầu cơ tăng giá. Về điều hành chính sách tiền tệ, chủ động theo dõi tình hình, có biện pháp phản ứng kịp thời, nhất là kiểm soát chặt chẽ tỉ giá. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp theo dõi và đi sát thực tiễn, thường xuyên tháo gỡ vướng mắc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để phát triển sản xuất.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc