Multimedia Đọc Báo in

Giá trị của hạnh phúc...

08:36, 29/03/2020

1. Một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài chưa từng có do dịch Covid-19. Con cái nghỉ học, số lượng người làm online ở nhà nhiều hơn.

Phố phường, quán xá bớt cảnh nhộn nhịp. Nhịp sống chậm lại so với những ngày chưa bùng phát dịch. Bớt cảnh chen chúc, tắc đường còi xe inh ỏi. Tạm gác những tất bật lo toan cơm nước, chợ búa, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà rồi đưa con đến trường. Nhiều công sở cũng vắng bóng người do chuyển sang làm việc trực tuyến. Tất cả chung tay phòng chống dịch Covid-19 bằng cách hạn chế tụ tập đông người. Sự đông đủ chuyển về dưới mỗi mái nhà. Với nhiều gia đình, đây là thời điểm ông bà, bố mẹ, con cái quây quần có thêm thời gian bên nhau, điều tưởng rất đỗi hiển nhiên nhưng do tính chất công việc và cả gánh nặng cơm áo gạo tiền, những điều bình dị ấy đã bị cuốn đi hết ngày nay qua ngày khác. Để rồi những bữa cơm tối thiếu đủ đầy thành viên; mỗi người một việc, tận tối mịt cả nhà mới về đến nhà, ai cũng mệt mỏi, bơ phờ, ít có thời gian trao đổi, trò chuyện, tâm tình với nhau. Nhịp sống thường ngày chậm lại và dường như cho mỗi người có nhiều thời gian hơn để thêm cảm nhận sâu sắc những giá trị cốt lõi của gia đình quan trọng như thế nào. Sự yêu thương, chăm lo cả về thể chất và tinh thần cho nhau là hạnh phúc nhưng cũng là cách để mỗi gia đình tự bảo vệ mình khỏi dịch bệnh trong thời điểm này.

Làm việc trực tuyến.  Ảnh
Để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang tích cực triển khai làm việc online. Ảnh: Nguyên Hoa 

2. Cán bộ chiến sĩ trải chiếu nằm đất nhường phòng cho những người thuộc diện cách ly; hàng trăm người lính dựng lều "ăn lán, ngủ rừng" chống dịch; hàng nghìn người đảm nhận công việc hậu cần, phục vụ dọn dẹp ở các khu cách ly tranh thủ, giấc ngủ của họ có khi chỉ là những phút ngả lưng trên chiếu, chợp mắt trên ghế đá; y bác sĩ làm việc quên ngày quên đêm trong những bộ đồ bảo hộ khó chịu để dốc lòng chạy chữa cho bệnh nhân; doanh nghiệp dù sản xuất có bị ảnh hưởng ngưng trệ nhưng cũng chung sức góp tiền góp của; đoàn viên thanh niên đem nhiệt huyết và sức trẻ tham gia các hoạt động hiến máu, phát khẩu trang miễn phí, tuyên truyền, tư vấn các bước rửa tay đúng cách... Một chiến sĩ công an sẵn lòng đi mua tô cháo khi có tín hiệu cần trợ giúp của người dân trong khu vực cách ly; một lời nhắc nhau nhẹ nhàng hãy đeo khẩu trang nơi công cộng... Đó là những hình ảnh, thông tin xúc động, thêm ấm lòng mỗi người trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Bình tĩnh và tỉnh táo để chống dịch nhưng có lẽ là chưa đủ, đó còn là sự nhiệt tâm xuất phát từ trái tim. Để rồi có thêm nhiều những giọt nước mắt xúc động, trân trọng, hạnh phúc khi được sống trong một cộng đồng yêu thương. Hạnh phúc để thêm động lực chung lòng chống dịch.

3. Rất nhiều công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, trong đó nhiều người ở các nước đang là tâm điểm của dịch Covid-19, đã trở về quê hương. Đất nước rộng lòng đón nhận những người con phương xa. Thậm chí có nhiều người nước ngoài bị dương tính hoặc thuộc đối tượng có nguy cơ cao khi có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 vẫn được chăm sóc, chữa trị không hề có khoảng cách, sự phân biệt, đối xử. Việt Nam chưa phải là nước giàu, chưa phải là nước có nền y học tiên tiến, trang thiết bị y tế còn khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần "không để ai bị bỏ lại" trong cuộc chiến chống Covid, chúng ta đang làm tất cả với sự đồng lòng, đoàn kết, toàn dân chống dịch. Những dòng nhật ký, những bức thư của những người trong vùng cách ly, trong đó có cả các người bạn nước ngoài càng khẳng định truyền thống nhân ái,  về ý nghĩa hai tiếng đồng bào của dân tộc Việt Nam. Hạnh phúc và tự hào được sống ở một đất nước sâu nặng nghĩa tình như thế!.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc