Multimedia Đọc Báo in

Nếp sống văn minh, nghĩ từ "điểm nóng" COVID-19

15:07, 30/05/2021

Suốt những ngày qua, các tỉnh phía Bắc, trong đó có Bắc Ninh, Bắc Giang là hai trong số những cái tên được nhắc đến nhiều khi đang là “điểm nóng” lây lan dịch bệnh COVID-19.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5-2021, từ khi các địa phương trên có người mắc COVID-19, số ca F0 tăng lên từng ngày. Có những nơi, danh sách F1, F2 chiếm hết cả thôn.

Công tác chống dịch, đặc biệt là việc truy vết và xét nghiệm được thực hiện khẩn trương, gấp gáp. Các chốt kiểm soát được lập nên ở tất cả các cửa ngõ những vùng có dịch.

Người dân có lịch sử tiếp xúc với bệnh nhân thực hiện khai báo y tế; những người F1 được đưa đi cách ly tập trung. Các thôn có người mắc COVID-19 đã trải qua những đêm trắng. Nhà nhà sáng đèn. Tiếng loa phóng thanh đọc tên từng người ra hội trường nhà văn hóa lấy mẫu xét nghiệm.

Những cụ cao tuổi được con cháu dìu đi; những em nhỏ miệng còn ngáp ngủ chân bước thấp bước cao theo bố mẹ ra khu xét nghiệm. Người không có tên trong danh sách cũng thấp thỏm không ngủ được. Ai cũng bồn chồn, cứ nghĩ dịch ở đâu xa, không bao giờ nghĩ lại có ngày miền quê của mình trong vùng dịch. 

UBND tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo Sở Y tế, Công an tỉnh nắm bắt tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã Hồng Thái (Việt Yên).
 Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nắm bắt tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã Hồng Thái (Việt Yên). Ảnh: Internet

Trong nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở địa bàn này, có một lý do được chính người dân địa phương nhắc đến đó là phong tục hội hè, ma chay, giỗ chạp, cưới hỏi trên thực tế còn dềnh dang lắm.

Gần như ai cũng thấy điều đó nhưng đề cập chuyện làm đơn giản lại thì băn khoăn với lý do sợ bị chê trách. Sự gắn kết tình làng nghĩa xóm nên nhà ai có chuyện vui, chuyện buồn, bà con đều gác lại công việc để đến chung vui, chia buồn, giúp đỡ.

Tình cảm xóm giềng gắn bó là điều đáng trân quý nhưng kéo theo đó là tổ chức đám xá, tiệc tùng, ăn uống kéo dài, triền miên vài ngày thì quả thực cũng phát sinh nhiều phức tạp, nhiêu khê, tốn kém. Cả khách và gia chủ đều mệt mỏi.

Và vô hình trung đang làm méo mó đi những nét văn hóa của cộng đồng làng xã. Còn đối với tính chất lây lan của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần này, những đám xá dềnh dang không phải là không có lỗi khi kéo theo tình trạng ăn uống, tụ tập đông người. Nhiều người đã trở thành F0 từ những đám cưới, đám tang tổ chức kéo dài, ăn uống rườm rà.

Ý thức và nhận thức, mỗi người sẽ là một chiến sĩ trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Trước thực trạng bấy lâu và nóng hổi là từ cơn bão dịch bệnh COVID-19, có lẽ hơn ai hết người dân, chính quyền và các cơ quan quản lý văn hóa của những cộng đồng làng xã sẽ có những nhìn nhận sâu sắc hơn để thay đổi, điều chỉnh trong tổ chức ma chay, cưới hỏi, hội hè... Thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa hơn cũng là bài học chung cho mỗi người, mỗi địa phương rút ra từ đại dịch COVID-19 với những dư chấn ngoài sức tưởng tượng.

Bắc Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.