Multimedia Đọc Báo in

Xu hướng mới trong kinh doanh thức uống cà phê

16:59, 25/07/2017
Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh mặt hàng “cà phê sạch” phát triển nở rộ ở khắp nơi.

Có rất nhiều lý do để khách hàng tìm mua hoặc đến với những nơi bán cà phê nguyên chất. Trong đó, niềm yêu thích được thưởng thức hết vị ngon tinh túy mà từng hạt cà phê mang lại của những “tín đồ cà phê” là một trong những lý do đáng kể nhất. Các công ty, cơ sở, quán cà phê nguyên chất này thường để sẵn máy xay cà phê tại chỗ để khách hàng được tận mắt chứng kiến quy trình rang, xay, đóng gói và pha chế. Từ đó khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng ly cà phê mình đang thưởng thức.

Là người đam mê và cũng nghiên cứu nhiều về cà phê, đồng thời cũng là một trong những doanh nhân đi đầu và thành công với kinh doanh cà phê sạch, anh Trần Quốc Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tây Nguyên - Azzan Fresh Coffee cho biết, từ niềm đam mê với hạt cà phê và mong muốn nâng tầm cho xứ sở xuất khẩu cà phê đứng thứ hai trên thế giới, anh đã bắt đầu nảy ý tưởng chế biến cà phê “sạch”. Ông chủ đầy tâm huyết của Azzan đã làm ra một thương hiệu cà phê sạch từ nguồn nguyên liệu đến khâu chế biến, đóng gói và nhanh chóng chinh phục được khách hàng ở trong và ngoài nước.

Nhân viên quán cà phê Azzan xay và pha chế cà phê tại quầy.
Nhân viên quán cà phê Azzan xay và pha chế cà phê tại quầy.

Cùng chung niềm đam mê kinh doanh cà phê sạch, anh Lê Trung Kiên, chủ thương hiệu Men’s Coffee ở Km 15, Quốc lộ 27, huyện Cư Kuin cho hay, 3 năm trước gia đình anh mở quán cà phê Cóc, sau một thời gian bán cà phê, tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng anh đã biết được khẩu vị của khách. Nhận thấy thế mạnh của nơi mình sinh sống là nguồn nguyên liệu cà phê dồi dào, cách đây 1 năm anh Trung đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Bazan Đỏ và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm cà phê chỉ từ cà phê do chính gia đình anh tự rang, xay, đóng gói. Tuy mới ra đời nhưng cà phê sạch do công ty anh Trung làm ra đã nhận được nhiều lời khen từ những khách hàng khó tính và được gửi đến những tín đồ cà phê ở khắp mọi miền đất nước. “Thông thường, bột cà phê nguyên chất có mùi thơm nhẹ nhàng, nước cà phê nâu nhạt, không sánh đặc, vị đắng dịu, chua thanh. Uống lần đầu có thể sẽ không cảm thấy ngon nhưng nếu uống vài lần sẽ nhận thấy rõ sự khác biệt với cà phê tạp chất, những người hay uống và am hiểu về cà phê chắc chắn sẽ cảm nhận được sự khác biệt và biết rõ nên chọn loại nào. Tuy nhiên, công việc kinh doanh cà phê sạch không dễ dàng chút nào. Ngoài bán ra với giá cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá cà phê tạp chất thì việc chinh phục vị giác của khách hàng cũng cần một lộ trình dài", anh Trung chia sẻ.

Đánh giá về xu hướng kinh doanh này, TS. Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho hay, mô hình "cà phê sạch" là xu hướng tất yếu trong kinh doanh cà phê bởi nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân ngày càng cao. Mới đây WASI đã đưa ra thị trường sản phẩm cà phê sạch mang thương hiệu Ecoffee. Tuy nhiên, số lượng người sử dụng sản phẩm cà phê này còn hạn chế. Do vậy, những đơn vị kinh doanh mặt hàng này cần có chiến lược rõ ràng, luôn quan tâm tới sức khỏe của người tiêu dùng và cần đẩy mạnh khâu truyền thông, quảng bá…

Lê Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.