Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh mùa đông – xuân cho trẻ

09:07, 21/12/2011

Mùa đông – xuân, thời tiết diễn biến bất thường chính là điều kiện thuận lợi để nhiều loại virus phát triển mạnh khiến nhiều người thấy mệt mỏi, đau ốm, đặc biệt là trẻ em, do sức đề kháng của cơ thể còn yếu.

Bệnh đường hô hấp dễ gặp nhất ở trẻ vào mùa lạnh như viêm mũi: Ban đầu trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi, nặng đầu, đau mỏi chân tay, sốt khoảng 39oC, ban ngày thì nằm lịm, ban đêm thì quấy khóc bắt mẹ phải bế luôn trên tay. Ở trẻ mới sinh, mũi dễ bị tắc do lỗ mũi rất nhỏ, trong khi đó trẻ lại chưa có thói quen thở bằng miệng nên rất dễ bị khó thở, trẻ quấy khóc, có hiện tượng co kéo ở thượng ức và thượng đòn. Hai hốc mũi trẻ sung huyết đỏ và ứ đọng nhiều dịch.  

Viêm VA: Thường xảy ra ở trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Trẻ bị sốt 38 – 39oC, cũng có thể sốt cao hơn, chảy mũi, lúc đầu chảy mũi trong, loãng, những ngày sau thường chảy mũi nhầy, mủ. Trẻ cũng bị nghẹt mũi, dấu hiệu này thấy rõ hơn khi trẻ ngủ. Ở những trẻ còn bú mẹ, dấu hiệu nghẹt mũi còn thấy khi trẻ muốn bú mẹ nhưng ngậm vú thì không thở được nên trẻ lại phải nhả vú mẹ ra để thở, và tất nhiên là trẻ sẽ khóc. Bệnh thường kèm theo ho, nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều. Ngoài ra, có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc, hơi thở hôi. Tùy mức độ bệnh của trẻ mà bác sĩ ra chỉ định như: điều trị bằng thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt cao trên 38oC, các thuốc làm loãng đờm giảm ho, các thuốc nhỏ mũi. Ngoài ra, việc làm sạch mũi thường xuyên là rất quan trọng.

Viêm amiđan: Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như có bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa... Khó thở là biểu hiện điển hình, khó thở làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, mệt mỏi, biếng ăn.

Bệnh hen phế quản: Thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như:  bệnh chàm, nổi mề đay, ngứa... Khó thở là biểu hiện điển hình, khó thở làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, môi tím, vẻ mặt sợ hãi. Nhiều trường hợp khó thở cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.

Phòng các bệnh về đường hô hấp bằng cách mặc ấm cho trẻ. Mỗi lần tắm rửa cho trẻ cần có sự chuẩn bị đầy đủ nước ấm, khăn khô, sạch, quần áo cho trẻ sau khi tắm và nếu có điều kiện nên chuẩn bị phòng ấm như bật lò sưởi hoặc điều hòa ấm. Cần tắm rửa cho trẻ ở buồng không có gió lùa, tắm nhanh, không để trẻ đùa nghịch với nước trong thời gian dài. Tắm rửa xong, lau sạch  người cho trẻ ngay và mặc quần áo sạch, khô, cho sưởi ấm. Đối với trẻ nhỏ, cần chú ý thay ngay quần áo bị ướt do trẻ tè ra. Luôn luôn mặc quần áo ấm và cổ có khăn quàng. Khi ra khỏi nhà, cần mặc cho trẻ ấm hơn, có găng tay, bít tất, khẩu trang tránh không khí lạnh tác động vào mũi, họng, vùng da hở không có quần áo che kín. Ban đêm ngủ trẻ thường đạp tung chăn, bố mẹ nên lưu ý đắp chăn cho trẻ để tránh cháu bị cảm lạnh do ngủ không đủ ấm. Tăng cường sự dinh dưỡng, nhất là cho trẻ ăn các thức ăn nóng. Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng.

Ngoài ra về mùa lạnh, trẻ cũng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, do ngộ độc thức ăn, do ký sinh trùng  hoặc do rotavirus. Đối với trẻ bị tiêu chảy, các bậc cha mẹ nên cho cháu đi khám bệnh để xác định trẻ tiêu chảy do nguyên nhân gì. Bác sĩ khám bệnh sẽ xác định cụ thể cho từng trường hợp một và có chỉ định điều trị thích hợp, không được tự động mua thuốc điều trị cho trẻ. Ngoài việc bổ sung nước bằng uống orezol cũng cần chú ý chế độ ăn thích hợp trong những ngày bị tiêu chảy như cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng. Nên nhớ, cà rốt và thịt gà hầm nhừ rất tốt cho tiêu hóa ở trẻ bị tiêu chảy.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc