Giúp trẻ an toàn khi dùng điện thoại
Ngày nay phụ huynh có xu hướng cho con trẻ dùng điện thoại di động (ĐTDĐ) vì lý do an toàn hoặc để dễ dàng liên lạc với chúng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc sở hữu một chiếc điện thoại cũng kèm theo những mối nguy tiềm tàng. Sau đây là những lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ đang và sắp cho con dùng “dế”:
Chỉ dẫn cho trẻ trước khi sử dụng: Hãy nói với con trẻ về những mối nguy và hậu quả của việc sử dụng điện thoại không thích hợp, chẳng hạn như nhắn tin trong lúc đi xe. Bạn có thể giúp trẻ hiểu được “tiếng lóng” và những từ viết tắt phổ biến. Ngoài ra, bạn cũng nên yêu cầu trẻ giữ lại các tin nhắn có vấn đề, như gạ gẫm làm điều gì đó không tốt, để cho người lớn xem.
Chọn điện thoại có đặc tính phù hợp: Nếu con bạn dưới 10 tuổi, trẻ sẽ không cần chiếc ĐTDĐ có khả năng kết nối Internet. Đối với trẻ nhỏ, tốt nhất là chỉ sử dụng điện thoại đơn giản. Vì vậy, bạn hãy xem xét tất cả các ứng dụng được lập trình và mọi tính năng của điện thoại trước khi mua.
Dùng quyền kiểm soát của bố mẹ: Nếu lỡ trang bị cho con loại điện thoại có thể kết nối Internet, bạn nên tìm hiểu xem nhà mạng có cung cấp dịch vụ kiểm soát dành cho bố mẹ hay không để bạn có thể quản lý việc sử dụng ĐTDĐ của con cái.
Giới hạn việc sử dụng: Hãy lên kế hoạch về thời gian dành cho mỗi cuộc nói chuyện điện thoại, có thể là sau khi trẻ làm bài tập, hoàn thành xong công việc nhà hoặc sau bữa ăn tối. Đừng để những cuộc điện thoại liên miên làm ảnh hưởng đến thời gian của gia đình. Ngoài ra, trẻ thích tán gẫu bằng điện thoại thường mang luôn “dế” lên giường ngủ, nên bạn cần kiểm tra thường xuyên.
Xem xét các dịch vụ giám sát: Dù con bạn đã lớn, bạn vẫn không yên tâm với việc chúng nhắn tin và gửi thư điện tử vô độ. Phần mềm SafetyWeb sẽ cung cấp cho phụ huynh những cảnh báo liên quan đến các cuộc gọi và nhắn tin của con cái. Điều đó cho phép bạn biết được khi nào trẻ dùng “dế” (lúc đang học ở trường hay giữa khuya) cũng như người mà trẻ liên lạc thường xuyên.
Hãy đợi trước khi trả lời: Hãy dạy con bạn không nên trả lời điện thoại hoặc tin nhắn từ những số máy lạ. Nếu đó là việc quan trọng, người gọi sẽ để lại tin nhắn và sau đó trẻ có thể quyết định hồi đáp như thế nào. Bạn cũng nên chỉ trẻ biết cách chặn cuộc gọi từ những số không mong muốn.
Lưu trước số điện thoại: Để bảo đảm an toàn cho con cái, phụ huynh nên lưu sẵn vào “dế” của con các số điện thoại quan trọng để trẻ có thể cầu cứu khi gặp rắc rối.
Sắp xếp vật dụng cố định: Luôn để cục sạc điện thoại của con ở đúng vị trí để trẻ dễ tìm gặp khi cần. Đánh dấu trên lịch thời hạn sử dụng để nhắc con biết khi nào tài khoản điện thoại sẽ hết hạn.
Giữ sự riêng tư: Nếu con bạn trong độ tuổi vị thành niên, hãy nhắc nhở chúng nên thận trọng khi cho số điện thoại và tuyệt đối không đưa số điện thoại lên Internet hoặc các trang mạng xã hội như Facebook.
Không cho trẻ tải quá nhiều ứng dụng: Hãy bảo đảm rằng con bạn không tải quá nhiều nhạc chuông, trò chơi và hình nền gây lãng phí tiền bạc và thời gian.
Nguyễn Long (Theo Times)
Ý kiến bạn đọc