Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về tiêm phòng vắc xin

09:27, 02/08/2013

Sơ bộ về nguyên lý hoạt hóa của vắc xin
Có thể hiểu đơn giản vắc xin hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể nhằm chống chọi lại một căn bệnh cụ thể trong tương lai. Rất nhiều vắc xin có tác dụng chống lại cả vi rút lẫn vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh khác. Theo đó, khi các tác nhân gây bệnh thâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể để tấn công lại chúng. Tùy thuộc vào sức khỏe của hệ miễn dịch và hiệu quả của các kháng thể mà con người có thể bị bệnh hoặc không bị bệnh. Trường hợp bị bệnh thì một số kháng thể được tạo ra sẽ nằm chờ trong cơ thể và đảm nhận nhiệm vụ giám sát sau khi khỏi bệnh. Trong tương lai nếu cơ thể gặp lại các tác nhân gây bệnh thì các kháng thể này sẽ giúp cơ thể "nhận mặt chỉ tên" để chống lại nó. Đây chính là chức năng của vắc xin trong hệ thống miễn dịch của con người. Về cơ bản, vắc xin được tạo ra từ một phần hoặc toàn bộ một tác nhân gây bệnh đã bị tiêu diệt hoặc bị suy yếu. Khi được chủng ngừa vắc xin, tác nhân gây bệnh không đủ mạnh để gây bệnh nhưng nó lại giúp hệ thống miễn dịch sản xuất ra nhiều chất kháng thể và kết quả cơ thể khỏe mạnh chống được những căn bệnh trong tương lai, nhất là khi phơi ra môi trường có dịch. Lúc này hệ miễn dịch có thể nhận biết "kẻ thù" và tìm cách tiêu diệt chúng hiệu quả hơn. Ví dụ, vắc xin chống khuẩn được sản xuất từ một dạng khuẩn đã suy yếu hoặc được tăng cường với một độc tố lấy từ khuẩn, vắc xin uốn ván được sản xuất từ độc tố uốn ván có tên là tetanospasmin…
 

Vì sao vắc xin lại không đạt được hiệu quả 100%?
Phần lớn các loại vắc xin đều được sản xuất để tạo ra một hưởng ứng miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể con người sau khi chủng ngừa vắc xin. Tuy nhiên hệ thống miễn dịch của mỗi người lại không giống nhau. Ví dụ, có người không sản xuất được các hưởng ứng miễn dịch thích hợp và cuối cùng không phát huy được tác dụng của vắc xin. Tổng thể, hiệu quả vắc xin là tương đối cao, ví dụ sau khi tiêm vắc xin MIMR (sởi, quai bị và rubella) liều 2, hoặc vắc xin đơn thì những người đã được tiêm phòng có thể đạt mức miễn dịch bệnh sởi tới 99%; vắc xin bại liệt đạt hiệu quả 99% sau 3 mũi tiêm; vắc xin ngừa thủy đậu (trái dạ) đạt 85-90%. Để phát huy được tác dụng của vắc xin, giới chuyên môn khuyến cáo tiêm đủ liều, đúng tiến độ, không được “nhảy cò”, bớt liều bởi điều này có thể làm giảm tác dụng của vắc xin và gây ra những bất lợi chưa lường hết.

 Miễn dịch tự nhiên của cơ thể tốt hơn vắc xin?
Trong thực tế có trường hợp miễn dịch tự nhiên của cơ thể dài hơn so với tác dụng của chủng ngừa vắc xin. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe lâu dài thì nên tiêm phòng, bởi có những căn bệnh gây viêm nhiễm hiện đang diễn biến phức tạp, thậm chí có loại bệnh đã kháng thuốc, kháng lại cả sức khỏe của cơ thể. Ví dụ bệnh sởi hoang dã có thể gây viêm não với tỷ lệ 1/1000 người và tỷ lệ tử vong là 2/1000 ca. Nếu tiêm phòng vắc xin MMR thì lợi ích rất lớn phản ứng dị ứng sau tiêm chủng chỉ có 1/1 triệu người nhưng lại có tác dụng phòng ngừa các dạng sởi rất tốt hay vắc xin  Hib và vắc xin uốn ván cũng cho tác dụng rất cao. Vì vậy nếu so sánh giữa miễn dịch tự nhiên và miễn dịch qua tiêm phòng thì việc tiêm phòng mang lại hiệu quả lâu dài và cao hơn.

Tại sao một số loại vắc xin lại phải tiêm liều bổ sung?
Cho đến nay, thời hạn hiệu lực của mỗi loại vắc xin khác nhau, khoa học vẫn chưa hiểu hết điều này vì vậy có loại vắc xin chỉ cần 1 liều nhưng có loại phải bổ sung thêm liều mới. Theo nghiên cứu gần đây đưa ra giả thiết cho rằng rất có thể là do tốc độ tiến triển của bệnh trong cơ thể, hoặc kháng thể làm nhiệm vụ nhận biết bệnh không có đủ khả năng hưởng ứng nhanh, không làm được chức năng nhắc nhở cho hệ miễn dịch nên thời gian hiệu lực kém buộc phải tiêm liều bổ sung.

Cơ thể trẻ nhỏ có thể chịu được nhiều loại vắc xin trong cùng một lúc?
Phải nói ngay rằng cơ thể của trẻ có thể xử lý được nhiều loại vắc xin, thậm chí có thể tiêm được nhiều vắc xin trong cùng một lúc, nhiều hơn cả số lượng vắc xin hiện đang được khuyến cáo dùng cho nhóm trẻ nhỏ. Lịch tiêm chủng cho trẻ dựa trên khả năng tạo các hưởng ứng miễn dịch cũng như rủi ro mắc bệnh. Miễn dịch của người mẹ truyền sang cho con cái khi sinh chỉ mang tính tạm thời và không có khả năng miễn dịch chống lại bệnh bại liệt, viêm gan B, cúm B... nên việc tiêm phòng nhiều mũi cho trẻ nhỏ là việc cần làm.

Vì sao mỗi năm lại có một loại vắc xin cúm mới?
Không giống các loại vắc xin  khác có chứa 1 hay nhiều tác nhân gây bệnh đã chết hoặc suy yếu và hiếm khi thay đổi, vắc xin cúm mùa lại thay đổi liên tục hằng năm. Lý do, các loại vi rút gây bệnh liên tục tiến hóa, thay đổi vì vậy việc sản xuất vắc xin cũng phải thay đổi theo thì mới có tác dụng phòng ngừa những loại cúm bệnh mới này. Do đó vắc xin phòng cúm mùa (dùng hằng năm) không bao giờ lặp lại với những liều đã có trước đây nên hiệu quả phòng ngừa liên tục được cập nhật phù hợp với những chủng cúm mới.

Vì sao dị ứng lại chống chỉ định tiêm một số loại vắc xin?
Một số loại vắc xin, kể cả những loại vắc xin quan trọng như vắc xin cúm đều được nuôi trồng trong trứng gà. Quá trình sản xuất vắc xin có một số protein chủ yếu của trứng được loại bỏ, nhưng vẫn còn hiện tượng gây dị ứng nhất là những người mắc bệnh dị ứng trứng. Theo nghiên cứu thực hiện gần đây cho thấy nhóm trẻ dị ứng trứng khi tiêm vắc xin cúm không có những phản ứng nghiêm trọng, 5% số trẻ em trong nghiên cứu bị dị ứng nhưng không đáng kể, chủ yếu là phát ban nhưng tự nó sẽ khỏi.

Tiêm vắc xin sẽ mắc phải một số bệnh như đau xơ cứng, tiểu đường và bệnh tự kỷ?
Tất cả các loại vắc xin đều có những phản ứng phụ tuy nhiên chỉ ở thể nhẹ, tạm thời và không hề phát triển các loại bệnh nan y như nói trên.

Một số loại vắc xin có chứa các mô bào thai của những người phụ nữ phá thai?
Vi rút rubella có trong vắc xin MMR (sởi, quai bị và rubella) được nuôi trồng bằng cách dùng một số dòng tế bào con người. Một số dòng tế bào này được lấy từ mô phôi thai những năm 60 ở thế kỷ trước của những ca phá thai hợp pháp và đến nay không có thêm các mô phôi thai mới dùng để sản xuất vắc xin rubella.

Vắc xin bại liệt có liên quan đến HIV?
Những năm 90 ở thế kỷ trước, dư luận đồn thổi việc thử nghiệm một loại vắc xin bại liệt ở châu Phi thập niên 50 chính là nguyên nhân gây đại dịch AIDS. Những cáo buộc này xuất phát từ việc cho rằng các tế bào tinh tinh đã được sử dụng để sản xuất vắc xin, hay các tế bào này đã bị nhiễm một loại vi rút gây bệnh cho tinh tinh, vi rút gây suy giảm miễn dịch (Simian Immunodeficiency Virus hay SIV) và khi vắc xin tiêm cho trẻ em châu Phi thì vi rút SIV đã đột biến và trở thành HIV (Human immunodeficiency virus) dẫn đến bệnh AIDS.

Cáo buộc trên hoàn toàn không đúng vì nhiều lý do. Một trong số những lý do này là vắc xin có chứa vi rút bại liệt không hề sản xuất từ tế bào tinh tinh mà từ tế bào của khỉ. Sau đó vắc xin được thử bằng công nghệ dò tìm ADN virút (công nghệ PCR - Công nghệ phản ứng chuỗi polymerase) nó hoàn toàn không có chứa virút SIV hay HIV. Năm 2006 nhóm chuyên gia ở Đại học Birmingham (Anh) đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện thấy vi rút HIV xuất phát từ tinh tinh ở Cameroon bị nhiễm vi rút SIV từ thập niên 30 thế kỷ trước, đây chính là nguồn gây bệnh đại dịch HIV/AIDS cho nhân loại, tức là trước khi vắc xin bại liệt được tiến hành thử nghiệm tại châu Phi.
 
Vắc xin bại liệt liên quan đến ung thư?
Vắc xin bại liệt do hai nhà khoa học là Jonas Salk và Albert Sabin tìm ra hồi giữa thế kỷ trước bằng cách chế tạo từ các tế bào của khỉ. Sau này, nhà sinh vật Maurice Hilleman đã tìm thấy vi rút khỉ có ở hai loại vắc xin là Salk và Sabin, đồng thời Hilleman cũng tìm thấy vi rút khỉ thứ 49 và đượcg ông đặt tên là Simian Virus 40 (SV40). Nghi ngờ hiệu ứng bất lợi của 2 loại vắc xin nói trên, Hilleman đã tiêm cho chuột đồng và hầu hết những con chuột được tiêm hai vắc xin nói trên đều phát triển những khối u ung thư. Nguồn tin này đã gây xôn xao dư luận làm cho các nhà khoa học phải vào cuộc. Tuy nhiên, có hai vấn đề hiện đang tranh luận. Thứ nhất, những con chuột đồng này tiêu hóa vắc xin Sabin có chứa vi rút sống bằng cách uống chứ không phải là tiêm chích. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy trẻ được dùng vắc xin Sabin không phát triển các kháng thể với virút SV40, đơn giản nó được "chủng ngừa" đi qua đường miệng và qua hệ thống tiêu hóa nên không bao giờ có chuyện viêm nhiễm. Thứ hai, mối nghi ngờ ở đây là vắc xin Salk, loại vắc xin này có chứa lượng nhỏ vi rút SV40 nhưng lại đưa vào cơ thể bằng cách tiêm. Nghiên cứu được thực hiện ở giai đoạn 8 năm, 15 năm và 30 năm cho thấy sau khi dùng vắc xin đã nhiễm vi rút SV40 thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư giữa nhóm tiêm chủng và không tiêm giống nhau, nên không hề có chuyện vắc xin bại liệt gây ung thư cho con người.

K.N
(Theo Historyofvaccines-5-2013)
 


Ý kiến bạn đọc