Multimedia Đọc Báo in

7 hệ lụy về sức khỏe do thói quen đi ngủ muộn

08:53, 12/07/2013

Đồng hồ sinh học của cơ thể có nhiệm vụ điều tiết nhịp sinh học, giúp cho cơ thể thực hiện tốt cơ chế "giờ nào việc nấy", đặc biệt là điều tiết vùng nhân SCN (suprachiasmatic nucleus) trong não, nơi chứa đựng trên 20.000 dây thần kinh. Tuy nhiên nếu con người tự ý thay đổi lịch trình này có thể gây ra nhiều hệ lụy bất lợi cho cơ thể.

1. Ảnh hưởng khả năng phục hồi chức năng của não

Giấc ngủ có thể được xem là chu kỳ của các giai đoạn, sự thay đổi qua lại giữa hai giai đoạn là động mắt nhanh (REM) và không động mắt (NREM). Nó  diễn ra trong khoảng thời gian 90 phút. Trong giấc ngủ REM, não thường xử lý những kỷ niệm và suy nghĩ diễn ra trong ngày, nên thường có những giấc mơ sống động; còn ở giấc ngủ NREM não thường phục hồi các chức năng và nhiều loại hormone, giúp cơ thể hồi phục. Sự chuyển đổi giữa hai kiểu ngủ nói trên đều diễn ra trong đêm nhưng ở những người ngủ muộn, cơ chế này sẽ bị rút ngắn và ảnh hưởng đến thời gian cũng như chất lượng giấc ngủ. Nếu đi ngủ quá muộn thì khả năng phục hồi chức năng của não sẽ bị ảnh hưởng và gây ra nhiều tác động không tốt cho sức khỏe.

2. Gây chứng mất ngủ

Ngủ muộn sẽ làm đảo lộn nhịp sinh học trong cơ thể. Đây là hiệu ứng tức thì ở nhóm người thức quá khuya và hậu quả gây chứng mất ngủ. Ví dụ, những người thường xuyên đi công tác tới những múi giờ khác nhau dễ bị mất ngủ, làm cho cơ thể khó ngủ nhưng lại luôn ở trạng thái buồn ngủ, thậm chí khi người muốn dậy cũng không được vì nó làm thay đổi thói quen có sẵn. Ngay cả những người phải làm việc ca đêm đôi khi cũng rất khó ngủ vào ban ngày vì nhịp sinh học trong cơ thể bị đảo lộn. Mất ngủ kèm theo suy nghĩ nhiều nên sức khỏe liên tục bị xuống cấp.

3. Tai nạn

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia của Mỹ (NTSA), hiện tượng lái xe buồn ngủ khi cầm lái gây ra trên 100.000 vụ tai nạn giao thông và 1.550 ca tử vong mỗi năm. Điều này cho thấy mối nguy hiểm của sự thiếu ngủ không khác gì chiến tranh, bệnh tật. Những người thiếu ngủ còn có năng suất lao động thấp, chất lượng công việc suy giảm, mắc phải nhiều lỗi công việc, trong đó có cả tai nạn cho chính người trong cuộc.

4. Suy giảm miễn dịch

Một trong những tác động tiêu cực khác do ngủ muộn, ngủ ít gây ra là làm cho hệ miễn dịch suy giảm, gây suy yếu cơ chế tự vệ và làm tăng cytokines, gây viêm nhiễm. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện thấy đi ngủ muộn rút ngắn thời gian ngủ trong đêm, làm giảm quá trình sản xuất kháng thể, giảm tác dụng của các loại thuốc, nhất là của vắc xin ngừa cúm. Cụ thể, những người ngủ 6 tiếng/đêm thì các chất kháng thể giảm trên 50% trong 10 ngày sau khi tiêm chủng so với những người ngủ tốt.

5. Gia tăng bệnh tim mạch

Ngủ ít, thiếu ngủ không chỉ làm tăng bệnh tim mạch mà còn làm tăng số lượng cơn đau tim và tỷ lệ tử vong. Theo một nghiên cứu do Bộ Y tế Mỹ thực hiện, thiếu ngủ làm tăng bệnh tim ở phụ nữ, nhất là những người ngủ dưới 7 tiếng/đêm. Rủi ro gia tăng tai biến tim mạch nhồi máu cơ tim, đột quỵ cao gấp 3-4 lần ở nhóm ngủ dưới 5 tiếng/đêm hoặc những người mất ngủ mạn tính. Trong thực tế, những người đi làm ca đêm mất ngủ có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn so với những người không làm việc ca đêm ngủ đủ.

6. Ung thư

Sau khi kết thúc nghiên cứu dài kỳ ở 23.995 phụ nữ Nhật Bản, các nhà khoa học phát hiện thấy những người ngủ dưới 6 tiếng/đêm có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú cao hơn so với nhóm ngủ trên 7 tiếng/đêm. Theo đó, những người ngủ ít thì giai đoạn bài tiết melatonin trong đêm bị rút ngắn lại, lượng melatonin thấp hơn so với những người ngủ đủ nên rủi ro mắc bệnh ung thư vú là điều khó tránh.

7. Béo phì

Một nghiên cứu do các chuyên gia Đại học Winscousin (Mỹ) thực hiện ở 1.034 người tình nguyện cho thấy, hiện tượng đi ngủ muộn, ngủ ít, rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến các loại hormone kiểm soát sự ngon miệng ở con người. Những người này cung cấp thời gian ngủ trong đêm thông qua ghi nhật ký, mỗi sáng họ đều được lấy máu để xét nghiệm về các loại hormone như leptin, ghrelin, adiponectin, insulin, glucose và lipid, đồng thời đánh giá trọng lượng cơ thể theo chỉ số BMI. Kết quả, thời gian ngủ thu hẹp thì chỉ số BMI của cơ thể lại tăng lên, đặc biệt những người ngủ ít thì có hàm lượng hormone leptin thấp và ghrelin cao, đây chính là thủ phạm làm tăng tính háu ăn, tăng cân, béo phì.

Khắc Nam

(Theo Sleep-7-2013)


Ý kiến bạn đọc