Multimedia Đọc Báo in

Cứu sống một bé trai bị nhiễm trùng uốn ván

16:00, 03/12/2014

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau 40 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi Y Jôna Thanh Niê (13 tuổi, ở buôn Ea Klok, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) bị nhiễm trùng uốn ván đã được các y bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh của Bệnh viện cứu sống.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bé Y Jôna Thanh.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn kiểm tra tình trạng sức khỏe cho bé Y Jôna Thanh.

Theo lời anh Y Loang Ayun (bố của Y Jôna Thanh) kể lại, khoảng đầu tháng 10, khi đang đi ở ngoài đường, Y Jôna Thanh không may dẫm phải đinh. Lúc đó do vết thương nhẹ, cháu không nói với bố mẹ nên vợ chồng anh cũng không biết. Cho đến khoảng 2 tuần sau đó, thấy con có những biểu hiện co giật, cứng cổ, không ăn được, vợ chồng anh Y Loang liền đưa con vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ cấp cứu và sau đó cháu tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chữa trị.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khám và nhận định Y Jôna Thanh bị uốn ván ủ bệnh 2 tuần. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp, co cứng toàn thân, tiểu tiện không tự chủ, biểu hiện sức khỏe kém, tiên lượng xấu nên các bác sĩ quyết định cho thở xi-páp và thực hiện các biện pháp hồi sức cấp cứu: khai thông đường thở, nuôi dưỡng qua tĩnh mạch, dùng kháng sinh phối hợp an thần và dùng các biện pháp vật lý trị liệu để bảo đảm khai thông đường hô hấp… Sau 40 ngày tích cực điều trị, chăm sóc, đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, nhiễm trùng uốn ván là bệnh tương đối ít gặp nhưng khi bệnh nhân đến cơ sở y tế đều là bệnh nặng và suy hô hấp, tăng đờm dãi nhiều, nếu không khai thông đường thở kịp thời cho bệnh nhân thì nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người dân, khi dẫm phải các vật sắc, nhọn, rỉ, sét gây vết thương nên tiêm phòng uốn ván ngay. Trường hợp sau đó thấy có các biểu hiện nhức đầu, nhai khó, nói khó, hàm cứng, há miệng hạn chế, co cứng cơ, co giật cứng toàn thân tự nhiên hay do kích động bởi ánh sáng và tiếng ồn (đối với người lớn và trẻ lớn); hoặc bỏ bú, khóc không ra tiếng, bụng co cứng, sốt cao, co giật, co thắt tím tái (đối với trẻ nhỏ) thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị nhiễm trùng uốn ván kịp thời.

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc