7 dấu hiệu cảnh báo stress
Có nhiều dấu hiệu cảnh báo stress như nứt môi, nghiến răng, chảy máu lợi hay viêm họng… Dưới đây là những dấu hiệu đặc trưng mà người trong cuộc có thể nhận biết sớm:
1. Nứt môi
Nứt nhỏ, khô gây đau rát ở hai bên khoé môi có thể là do thiếu vitamin B6, đây là dưỡng chất rất cần cho hệ thần kinh. Nó có nguồn gốc từ carbohydrate, chất béo và protein giúp giảm thiểu căng thẳng. Ngoài ra, vitamin B6 còn tham gia vào quá trình sản xuất chất truyền dẫn thần kinh, hay còn gọi là hóa chất não, nhất là serotonin, dopamine và melatonin, tất cả có tác dụng giúp điều chỉnh tâm trạng và duy trì cơ chế ngủ nghỉ.
- Giải pháp: Cơ thể cần nhiều vitamin B6 hơn ở phụ nữ mang thai hoặc nhóm đang điều trị trầm cảm. Vitamin B6 có nhiều trong cà rốt, thịt gà, trứng, đậu đỗ, rau chân vịt, thực phẩm dạng hạt, chuối, bông cải xanh và khoai tây.
2. Nghiến răng
Nghiến răng là dấu hiệu cơ thể căng thẳng do thiếu vitamin nhóm B, đăc biệt B5. Đây là dưỡng chất kháng stress rất hiệu quả do tăng cường hormone tuyến thượng thận, cholesterol và các kháng thể miễn dịch. Riêng cholesterol (mỡ máu) ở đây không phải là loại xấu (LDL) mà rất cần để sản xuất tế bào, hormone steroid như cortisol và DHEA nhằm kháng lại stress.
- Giải pháp: Tăng cường nguồn thực phẩm giàu vitamin B5 như thịt bò, cá biển, trứng, rau xanh, các loại đậu đỗ, gan, nấm và lúa mạch đen.
3. Đốm trắng trên móng tay
Rất nhiều người cho rằng đốm trắng trên móng tay là do thiếu canxi nhưng thực chất là dấu hiệu thiếu khoáng chất trầm trọng. Canxi rất cần đối với hệ enzyme, sức khỏe miễn dịch, sản xuất năng lượng, hormone, insulin và hormone tình dục.
- Giải pháp: Khi bị căng thẳng, kẽm được huy động đến mức cực đại. Vì vậy khi có dấu hiệu stress nên bổ sung nhóm thực phẩm giàu kẽm, nhất là thực phẩm nguồn gốc động vật, nếu ăn chay nên bổ sung khoảng 15-20 mg kẽm/ ngày. Có nhiều trong cá, thịt, hạt hướng dương, hạt bí ngô, hàu, sò, tôm cua…
4. Táo bón và tiêu chảy
Đôi khi stress cao phát sinh cả tình trạng táo bón lẫn tiêu chảy do cơ thể thiếu ma-nhê. Đây là khoáng chất phân bố 70% trong xương và 30% còn lại trong các cơ mềm, giúp làm dịu cơ bắp và não sau khi căng thẳng. Thông thường, khi thiếu ma-nhê sẽ phát sinh hiện tượng mất ngủ, lo âu, khó chịu, trầm cảm và đau cơ. Thiếu ma-nhê còn gây căng cơ dạ dày phát sinh chứng co rút nên vừa gây táo bón lại gây cả hiện tượng tiêu chảy.
- Giải pháp: Tăng cường nhóm thực phẩm giàu ma-nhê, có nhiều trong lúa mạch, thực phẩm họ đậu đỗ, rau xanh dạng lá thẫm, cà rốt, khoai lang, súp lơ, cá, thịt…Mỗi ngày nên bổ sung 300-500mg dưới dạng xi-trát ma-nhê (magnesium citrate)/ ngày.
5. Chảy máu lợi
Nướu hay lợi là các mô niêm mạc bao phủ hàm trên và hàm dưới trong khoang miệng con người. Một trong những nguyên nhân gây chảy máu nướu thường gặp là do thiếu vitamin C, chất chống ôxy hoá có vai trò hỗ trợ cho trên 300 chức năng trao đổi chất trong cơ thể. Đặc biệt là hỗ trợ sản xuất hormone kháng stress, protein hệ miễn dịch interferon, cho sản xuất collagen để sinh mô. Cơ thể không có khả năng tái tạo vitamin C nên hiện tượng thường thấy là chảu máu lợi.
- Giải pháp: Khi có dấu hiệu stress, chảy máu nướu nên bổ sung vitamin C càng sớm càng tốt, nhất là nhóm thực phẩm như rau xanh, trái cây, măng tây, trái bơ, bông cải xanh, dưa đỏ, cải xoăn, xoài, hành tây, đu đủ, đậu xanh, dứa, củ cải, rau bina, dâu tây, cà chua và xà lách xoong.
6. Nổi mụn trên đùi, cánh tay
Một khi nổi mụn ở đùi, cánh tay thì rất có thể đang thiếu hụt vitamin E trầm trọng. Thiếu vitamin E làm cho lớp keratin ở da dày lên, phát sinh mụn, vảy sừng. Ngoài ra vitamin E còn giúp lưu thông máu tốt hơn, giúp mau liền sẹo và rất cần cho sức khỏe sinh sản, nhất là sản xuất tinh trùng ở đàn ông.
- Giải pháp: Tăng cường thực phẩm giàu vitamin E như các loại rau xanh lá thẫm, gạo lứt, trứng, tảo bẹ, sữa, bột yến mạch, nội tạng, đậu tương, khoai lang và cải xoong.
7. Thường xuyên viêm họng, hệ hô hấp
Khi stress cao có thể phát sinh viêm họng, viêm hệ thống hô hấp, lý do cơ thể thiếu hụt vitamin A, dưỡng chất rất cần cho thị lực và khả năng kháng viêm, nhất là viêm da, màng nhầy lớp lót đường hô hấp, tiêu hóa và đường tiết niệu.
- Giải pháp: Để giúp cơ thể hấp thụ tốt vitamin A nên bổ sung đủ lượng kẽm cần thiết cho cơ thể. Thực phẩm giàu kẽm và vitamin A có trong gan động vật, dầu gan cá và các loại trái cây và rau xanh, quả mơ, măng tây, bông cải xanh, dưa đỏ, cà rốt, đu đủ, đào, bí ngô, ớt đỏ, rau bina, cải xoong và bí vàng, nhất là nhóm hoa quả, rau xanh có màu đỏ, màu cam và vàng.
K.N
(Theo DM/BT- 4-2015)
Ý kiến bạn đọc