Multimedia Đọc Báo in

Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu nên có hiệu lực vô hạn

15:02, 06/07/2010
Theo đề xuất của Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, nên quy định thời hạn hiệu lực Giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu theo hướng vô hạn.
Ảnh: H.H
Một điểm kinh doanh xăng dầu của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên   Ảnh: H.H
Lý giải cho đề xuất này, Tổ công tác cho rằng hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong đó có điều kiện phải thường xuyên kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nằm trong diện được cấp giấy phép không nhiều và chịu sự quản lý chặt chẽ, thường xuyên của Bộ Công thương thông qua nhiều biện pháp và thủ tục, như việc phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm. Như vậy, có thể bãi bỏ quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép là 5 năm, chuyển sang hướng vô thời hạn và thay vào đó bằng báo cáo kết quả hoạt động định kỳ, kiểm tra, hậu kiểm.
Tổ công tác cũng đề nghị bổ sung nội dung "thu hồi trong trường hợp vi phạm điều 7 về điều kiện kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu’ vào khoản 6, điều 8, Nghị định 84/2009/NĐ-CP, bởi quy định về việc thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP là chưa đủ và cần được bổ sung nội dung trên nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, cũng như phù hợp với nội dung đề xuất bỏ thời gian có hiệu lực của giấy phép.
Đối với một số thủ tục như cấp Giấy phép sản xuất thuốc lá, Giấy phép sản xuất rượu...,cũng nên rút ngắn thời gian giải quyết từ 30 ngày xuống còn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Theo nhận định của Tổ công tác, thực tế cho thấy thời gian 20 ngày làm việc đủ để cơ quan quản lý giải quyết thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian cấp phép sẽ gián tiếp làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh việc doanh nghiệp phải mất những chi phí cơ hội trong thời gian chờ giấy phép.

Theo Chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc