Multimedia Đọc Báo in

Phải biết chăm chút từ những điều nhỏ nhất

15:09, 11/05/2014
Cuối cùng thì những gì tôi từng quan sát và suy nghĩ trong đầu, nhưng chưa tiện nói ra cũng được anh bạn đến từ Đà Nẵng nói hộ: Rằng, cung cách phục vụ của nhiều nhân viên trong ngành du lịch ở TP. Buôn Ma Thuột này còn quá thiếu chuyên nghiệp và dường như họ chưa được đào tạo, hoặc tham gia một khóa tập huấn cơ bản nào về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch.
 
Hỏi ra mới biết, những ngày nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, anh bạn tôi lên Buôn Ma Thuột thăm chơi và chọn một khách sạn ba sao trên đường Phan Chu Trinh để lưu trú. Lượng khách không nhiều, nhưng đội ngũ nhân viên phục vụ ở đây thật đáng buồn: chị ngồi ở quầy lễ tân thì không bao giờ thấy nở một nụ cười, anh chạy bàn, dọn phòng càng lạnh lùng và hờ hững hơn với khách.

Để chứng minh điều đó, anh bạn kể: Trong các bữa ăn được dọn ra, thường thiếu thứ này, thứ kia. Thực khách gọi nhân viên phục vụ để được đáp ứng thì họ thờ ơ, thậm chí còn tỏ ra “bất hợp tác” với cả “thượng đế” của mình. Có lần đang dùng bữa, một nhân viên phục vụ đến tiếp thêm thức ăn, do lóng ngóng, vụng về nên để ly chén, bát đĩa rơi vỡ tung tóe khiến thực khách không hài lòng. Anh bạn tôi vốn là giảng viên Khoa Du lịch của một trường Đại học ở miền Trung thấy vậy nên góp ý: Khi phục vụ bàn (bưng bê thức ăn, lấy đá, khui bia…), bạn nên chọn vị trí thuận tiện nhất - thường là bên tay phải của thực khách để tránh những “sự cố” như vừa xảy ra… Nghe xong, cô nhân viên phục vụ kia không những không có lời cảm ơn hoặc xin lỗi mà còn bỏ đi mất dạng, để mọi người tự xoay xở.

Câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ, nhưng ngẫm ra đáng để suy nghĩ về cách thức kinh doanh du lịch ở Buôn Ma Thuột này. Du khách không chê trách, phàn nàn sao được khi phần lớn người trực tiếp hay gián tiếp làm du lịch ở đây không được đào tạo một cách bài bản. Nhất là trong các nhà hàng, khách sạn hiện nay, số nhân viên phục vụ từ lễ tân, vệ sinh buồng phòng cho đến chạy bàn gần như được tuyển từ những người chưa được đào tạo. Điều đáng nói hơn là trong hợp đồng làm việc từ vài tháng cho đến vài năm, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch không hề bỏ kinh phí để mở bất kỳ lớp học nghiệp vụ cơ bản nào cho nhân viên của mình. Theo Hiệp Hội Du lịch Dak Lak, nếu có mở lớp thì cũng dựa vào nguồn ngân sách của địa phương là chủ yếu, chứ các đơn vị kinh doanh (lưu trú cũng như lữ hành) không để tâm đến vấn đề này. Theo đó, trong hai năm 2012-2013, không thấy một đồng nào bỏ ra từ các doanh nghiệp để đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch ngoài con số quá khiêm tốn: chưa tới 1,3 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước chi trả để khắc phục những “lỗ hổng chết người” trên. Nói như vậy để thấy rằng, một khi nguồn nhân lực phục vụ ngành kinh tế được coi là mũi nhọn này chưa được quan tâm đúng mức nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách thì không biết đến bao giờ du lịch Dak Lak mới tạo dựng được vị thế, hình ảnh đẹp trong lòng bạn bè, du khách.

Từ những trải nghiệm qua những ngày lưu lại ở Buôn Ma Thuột, anh bạn tôi lưu ý một điều: Trong thời buổi kinh tế thị trường này, làm nghề gì cũng vậy, đặc biệt là với du lịch cần phải để ý và quan tâm đến những điều nhỏ nhất - từ nụ cười đến thái độ phục vụ du khách, mới mong tạo được thành công.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc