Tọa đàm "Cà phê rang xay – tiềm năng và triển vọng"
Sáng 23-7, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty Cổ phần Nhịp điệu toàn cầu 123 tổ chức buổi tọa đàm “Cà phê rang xay – tiềm năng và triển vọng” nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê rang xay ở Đắk Lắk.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phát biểu tại buổi tọa đàm |
Theo Công ty Cổ phần Nhịp điệu toàn cầu 123, thị trường cà phê rang xay và hòa tan ở Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn và có sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều nhà máy chế biến cà phê liên tục ra đời. Tiêu thụ cà phê trong nước tăng nhanh do sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và quy mô các quán cà phê, cửa hàng bán lẻ, các chuỗi cung ứng thực phẩm kèm cà phê… Hiện tại, Việt Nam có khoảng 20 nhà sản xuất cà phê hòa tan và tiêu thụ loại cà phê này tại Việt Nam, tăng 5% trong năm 2014. Trong 6 tháng đầu của niên vụ 2014-2015, Việt Nam xuất khẩu được 34 nghìn tấn cà phê hòa tan tới 64 nước trên thế giới, đây là lượng xuất khẩu cao nhất trong 5 năm qua. Dự báo sản lượng cà phê hòa tan xuất khẩu từ Việt Nam trong niên vụ 2014-2015 tăng 44%, đạt 78 nghìn tấn; lượng cà phê tiêu thụ nội địa ước đạt 125 nghìn tấn, tăng 4% so với niên vụ trước.
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được chia sẻ kinh nghiệm về cách phân biệt cà phê robusta, arabica, liberia; công nghệ rang xay và phương pháp để cà phê rang đạt chất lượng tốt nhất; vấn đề cà phê rang xay truyền thống, hiện tại và xu thế… Các đại biểu cũng cho rằng, người tiêu dùng ở Việt Nam đang hướng tới thưởng thức cà phê nguyên chất với hương vị tự nhiên, sự thay đổi này là do quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa thế giới và để bảo vệ sức khỏe. Các nhà rang xay Việt Nam cần thay đổi để bắt kịp với xu thế mới này, đồng thời chú ý đến yếu tố vùng miền trong thưởng thức cà phê…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc