Multimedia Đọc Báo in

Thi đua quyết thắng - yếu tố làm nên mọi chiến thắng

09:26, 22/09/2010

Được sự lãnh đạo của Việt Minh, vào những ngày cuối tháng 8-1945 các đội tự vệ cùng công nhân các đồn điền dọc đường 21 và đường số 8 đã đứng lên giành chính quyền cách mạng. Trước yêu cầu của phong trào kháng chiến chống Pháp, ngày 23-9-1945 Tổng bộ Việt Minh quyết định thành lập Ban Quân sự tỉnh Dak Lak do đồng chí Phan Kiệm làm Trưởng Ban, đồng chí Y Bí Aliô và đồng chí Nguyễn Sỹ Tuấn làm Phó Ban. Ngày 23-9-1945 đã được Bộ Tư lệnh Quân khu V quyết định công nhận là Ngày truyền thống của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Dak Lak. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống LLVT Dak Lak, phóng viên Báo Dak Lak có cuộc trò chuyện với Đại tá Y PHU ÊBAN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

*Nhìn lại chặng đường 65 năm, Đại tá có thể nói gì về những đóng góp của LLVT tỉnh trong giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc?

 

- Tiếp bước sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tháng 8-1945 đội tự vệ vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập tại đồn điền Cada (nay là Công ty Cà phê Phước An). Lực lượng ban đầu chỉ có 36 đồng chí với trang bị thô sơ nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, ngay trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám, LLVT tỉnh đã chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu trí, sáng tạo, cùng nhân dân giành được chính quyền từ tay địch.
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với chiến trường chính của Tây Nguyên, nhân dân và LLVT tỉnh đã chiến đấu 166 trận, tiêu diệt 3.410 tên địch, làm bị thương 1.325 tên, bắt sống 817 tên, thu và phá hủy nhiều phương tiện vũ khí chiến tranh của địch, lập nên những chiến thắng vang dội ở thị xã Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, M’Drak, Lak, Ea H’leo…, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1950, góp phần thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lịch sử đã khắc ghi dấu ấn chiến thắng của những đơn vị ở nhiều nơi trên mảnh đất Dak Lak: từ trận buôn Yun, buôn Rô, buôn Yang Reh đến trận tấn công sân bay Buôn Ma Thuột, sân bay Hòa Bình, kho Mai Hắc Đế…, đỉnh cao là phối hợp với các lực lượng tiêu diệt các cứ điểm của địch phía Nam tỉnh, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tạo bước ngoặt quan trọng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh gian khổ này, LLVT đã tiêu diệt 13.033 tên địch, trong đó có 381 tên lính Mỹ, phá hủy và tiêu diệt nhiều phương tiện chiến tranh của kẻ thù. Với những đóng góp to lớn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 2-10-2000, đồng bào các dân tộc và LLVT Dak Lak được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

*Truyền thống anh hùng ấy tiếp tục được LLVT tỉnh phát huy như thế nào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thưa Đại tá?
- Sau ngày giải phóng, LLVT tỉnh vừa cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ địa bàn, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vừa chiến đấu truy quét Fulrô và làm nghĩa vụ quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới đất nước, cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh đã không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ. Trận địa tư tưởng của Đảng trong LLVT tỉnh được củng cố ngày càng vững chắc. Các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở luôn luôn được chăm lo xây dựng, gắn xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân từng bước được tăng cường, nhất là xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ cơ bản, liên hoàn, vững chắc luôn được coi trọng. Đặc biệt LLVT tỉnh đã chủ động phối hợp cùng địa phương phòng chống có hiệu quả lũ lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, với tình cảm và trách nhiệm cao nhất; mặt khác, đã thường xuyên quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức kết nghĩa và xây dựng chương trình phối hợp hành động, tiến hành tuyên truyền vận động nhân dân, giúp dân định canh, định cư, lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe cộng đồng…, góp phần xứng đáng vào việc giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tháng 12-2009.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tháng 12-2009.

*Bề dày kinh nghiệm qua 65 năm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chắc hẳn đã bồi đắp thêm nhiều bài học quý cho LLVT tỉnh, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới, phải không thưa Đại tá?
- Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Theo đó, bài học kinh nghiệm và cũng có thể coi là nhiệm vụ từ yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với LLVT trước tiên, quan trọng hàng đầu là nâng cao trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục, chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ về hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc); thông qua đó xây dựng, bồi đắp cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống văn kiện, kế hoạch tác chiến và kế hoạch phòng, chống bão lụt, cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn; thực hiện nghiêm chỉ lệnh sẵn sàng chiến đấu; duy trì chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực phòng không; tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn cơ quan, đơn vị, các mục tiêu quan trọng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc, đánh giá tình hình, dự báo các tình huống chính xác, hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp bảo đảm số lượng, coi trọng chất lượng, nhất là chất lượng chính trị; chú trọng hơn nữa công tác đăng ký, quản lý chặt chẽ lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, tổ chức huấn luyện chu đáo, hoạt động có hiệu quả, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cơ sở. Ngoài ra cần đổi mới nội dung phương pháp huấn luyện, gắn huấn luyện với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công khai dân chủ, giải quyết tốt các mối quan hệ trong đơn vị; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”. Xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, tập trung chỉ đạo công tác dân vận của LLVT trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân. Và cuối cùng có thể khẳng định, yếu tố xuyên suốt để hoàn thành mọi nhiệm vụ, làm nên mọi chiến thắng là tinh thần thi đua quyết thắng.

Đàm Thuần (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc