Multimedia Đọc Báo in

Những người lính trẻ dưới mưa

15:21, 13/11/2011

Tây Nguyên đang mùa mưa. Khi chúng tôi đến Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng là lúc cơn mưa ào đến. Như một phản xạ tự nhiên, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7 rút từ trong bao xe ở thắt lưng ra tấm áo mưa rộng và choàng lên vai cùng vũ khí của mình. Tất cả đều nhịp nhàng, dứt khoát, tấm ni-lon hoa màu xanh loang loáng trong mưa như một vũ điệu thật sinh động. Bài học chiến thuật lại tiếp tục. Một lát sau mưa tạnh. Vẫn động tác nhanh nhẹn như ban đầu, nghe khẩu lệnh của người chỉ huy, bộ đội tháo áo mưa gấp thật nhỏ đút vào bao xe. Bầu trời đã trong xanh hơn. Từng tia nắng lấp ló rọi hồng đất ba-zan. Những giọt mưa còn đọng trên  đôi má đậm màu  của chiến sĩ bỗng sáng long lanh như ngọc.

Khi được hỏi sao không cho chiến sĩ nghỉ mà phải huấn luyện dưới mưa, Thiếu tá Phạm Mạnh Tấn, Chính trị viên Tiểu đoàn cười: “Lính chúng tôi nếu mưa mà nghỉ thì chỉ có “vỡ kế hoạch”, bởi đợt 2 huấn luyện trúng vào mùa mưa, như năm nay hai phần ba thời gian là mưa. Ở đâu “Nắng tốt dưa, mưa tốt lính” không biết, chứ ở đây, mưa cũng như nắng, lịch ngày có thay đổi tí chút, nhưng chương trình huấn luyện vẫn bảo đảm. Đến nay, 260 chiến sĩ mới, trong đó có gần 28% chiến sĩ là người dân tộc thiểu số đều yên tâm, gắn bó với môi trường quân ngũ”. Đại đội trưởng Đại đội 7 Nguyễn Xuân Nguyên giải thích thêm: “Mưa thường bất chợt nên chúng tôi quán triệt cho chiến sĩ luôn cơ động. Trường hợp mưa quá to thì chạy về học ở hội trường với các bài học chính trị, điều lệnh quản lý bộ đội, dứt mưa là hành quân ra lại bãi tập. Có ngày vào, ra đến hai lần, nhưng bộ đội đều vui vẻ chấp hành”.

Giờ huấn luyện của chiến sĩ mới Tiểu đoàn 303.
Giờ huấn luyện của chiến sĩ mới Tiểu đoàn 303.
Bên hàng dây phơi, chiến sĩ Y Nhưng Byă, dân tộc Êđê đang tung chiếc áo mưa của mình, kéo vuông vắn, sau đó vuốt nhẹ cái tên ở góc bị lấm một vệt bùn đỏ. Anh chia sẻ: “Đã là người lính thì mưa hay nắng đều phải rèn luyện, cũng như ở buôn, mưa cũng phải ra rẫy thôi. Chiếc áo mưa này đã là bạn mình rồi, đi đâu nó cũng luôn đi theo. Chốc nữa mình sẽ lau khô không để mốc và cho vào bao xe. Ở đây ai cũng làm thế. Cái gì mà tập thể làm cũng đều thấy vui”. Y Nhưng Byă kể cho chúng tôi nghe chuyện về những đồng đội của mình: Y Săm Niê nhút nhát, ở nhà không đi chơi với ai, tối còn ngủ với mẹ, vậy mà bây giờ rất dạn dĩ,  miệng lúc nào cũng cười tươi; chiến sĩ Thuận, nhà nghèo, bố nằm viện, vào đơn vị cứ buồn rầu, nhờ đồng đội động viên nay đã yên tâm; chuyện Y Sai Buôn Krông, Y Si Mon Buôn Krông, lúc đầu tiếp thu chậm, nay đã vươn lên học tốt, được biểu dương hàng tuần vào tối chủ nhật. Bàn tay nông dân quen lao động nên vào đây ai cũng giành nhau cầm cuốc. Mưa nhiều, đất nhão, rau bị dập vùi, vậy mà nhờ bộ đội chăm sóc kỹ, che chắn vẫn lên xanh tốt bời bời. Thích nhất là phong trào văn hóa văn nghệ ở Tiểu đoàn rất sôi nổi với các buổi giao lưu với Đoàn xã kết nghĩa Ea Kiết (Cư M’gar), rồi Đại học Tây Nguyên. Mới đây nhất, Tỉnh Đoàn đã cử 70 đoàn viên vào sinh hoạt cùng chiến sĩ mới, chính trị viên đại đội Niê Thân trổ tài đánh trống,  tài đàn oóc-gan, ghi-ta, không khí vui như Tết khiến các anh chị ở Tỉnh Đoàn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhiều người bảo “muốn ở đây thôi chẳng muốn về”…

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 303 chỉ cho chúng tôi xem cây Knia sừng sững một góc trời, vườn mít um tùm xanh lá, những hàng thông trải dài ngút tầm mắt qua cơn mưa mướt những chồi non và tự hào khẳng định không đâu đẹp bằng doanh trại thân yêu của mình. Tôi nói với các anh rằng, đẹp nhất trong bức tranh này chính là các anh - những người lính trẻ đang tập luyện, lao động dưới mưa!     

Hồng Vân

Ý kiến bạn đọc