Bước chân Đam San xuống biển
Băng rừng vượt núi xuống biển tình nguyện tham gia lực lượng hải quân, những chàng Đam San hôm nay đã thể hiện tình yêu quê hương, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với non sông, đất nước thông qua hành động cụ thể, thiết thực: góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Trên đảo hiện có một sĩ quan trẻ, thiếu úy Bùi Xuân Trí quê ở Dak Lak đang làm nhiệm vụ”, khi nghe Thiếu tá Nguyễn Tất Thu, Chính trị viên cụm chiến đấu 1 đảo Sơn Ca thông báo, mọi người trong đoàn công tác tỉnh Dak Lak ra thăm quân và dân đảo Trường Sa đều bày tỏ niềm vui, tự hào về những người con quê hương đang ngày đêm canh giữ biển đảo. Cuộc hội ngộ giữa Trí cùng các thành viên trong đoàn diễn ra trong không khí ấm áp, thân mật như giữa những người trong gia đình gặp lại sau bao ngày xa cách. Chàng trai dáng vẻ rắn rỏi mạnh mẽ không kìm được xúc động: “Cháu mừng quá vì từ ngày ra đảo đến nay mới được gặp đồng hương. Cháu nhớ hương vị núi rừng Tây Nguyên quá các cô, các chú ạ!”. Gia đình Trí ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), nhà chỉ có 2 anh em, Trí là con trai cả. Năm 2009 sau khi tốt nghiệp THPT cũng đúng vào lúc vấn đề biển đảo thu hút sự quan tâm của tất cả các bạn trẻ yêu nước, lòng tự trọng dân tộc dâng trào, cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ đã thôi thúc Trí viết đơn tình nguyện xung phong “xuống núi” và được điều về Tiểu đoàn 86 C, Lữ đoàn 146, tỉnh Khánh Hòa làm nhiệm vụ. Hết thời gian tại ngũ, Trí tiếp tục viết đơn tình nguyện phục vụ lâu dài trong lực lượng hải quân. Trước nguyện vọng thiết tha của anh lính trẻ cũng như căn cứ vào kết quả phấn đấu, rèn luyện, học tập công tác, đơn vị đã tạo điều kiện để Trí ở lại, đào tạo thêm. Đến tháng 2-2011 thì Trí chính thức ra đảo làm nhiệm vụ. “Khi cầm trên tay quyết định được ở lại phục vụ lâu dài trong lực lượng Hải quân, em mừng lắm, bởi đó là mơ ước từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, Trí thổ lộ. Đảo không có dân cư, anh lính trẻ Bùi Xuân Trí đã xác định xem “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, cùng đồng đội, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Là sĩ quan trẻ, được phân công làm nhiệm vụ chỉ huy các chiến sĩ trực chiến, tuần tra canh gác, theo dõi những diễn biến, hoạt động của tàu thuyền qua lại quanh khu vực đảo, Trí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đôn đốc anh em chiến sĩ tuân thủ nghiêm các ca trực được chỉ huy đơn vị tin tưởng, đánh giá cao. “Ở đảo xa tuy thiếu thốn nhiều về tình cảm nhưng chúng em có được sự động viên lớn vì biết rằng cả nước lúc nào cũng hướng về những người lính hải quân với lòng tin yêu, kỳ vọng. Vì vậy “lính đảo” xin hứa sẽ luôn phấn đấu làm tròn trọng trách được giao” Bùi Xuân Trí hạ quyết tâm.
Những lá thư của gia đình, bạn bè là nguồn động viên tinh thần to lớn để Bùi Xuân Trí yên tâm làm nhiệm vụ |
Thượng sĩ Phạm Văn Kiên vừa tròn 20 tuổi, mới ra công tác tại Trường Sa Lớn được tròn một năm cũng chưa có dịp về thăm nhà, thế nên khi biết tin đoàn các tỉnh, thành, trong đó có Dak Lak đến thăm em đã “túc trực” từ sáng sớm để đón đoàn, ngay khi tàu vừa cập đảo. Là anh cả trong gia đình có 2 anh em ở huyện Krông Pak, động lực thôi thúc Kiên quyết tâm tình nguyện xung phong lên đường bảo vệ biển đảo quê hương là câu chuyện về tấm gương hy sinh dũng cảm một chiến sĩ cùng huyện: liệt sĩ Vũ Quang Chương hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại nhà giàn 2A/DK1-6, thuộc bãi cạn Phúc Nguyên. “Em cứ hình dung hình ảnh anh Vũ Quang Chương trước phong ba bão táp vẫn bình tĩnh, chỉ huy đồng đội rời nhà giàn, còn mình cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng, chống chọi với biển dữ, quyết bám nhà giàn đến giây phút cuối cùng để rồi vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đại dương. Em muốn ra đảo làm nhiệm vụ, phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao biết bao thế hệ cha ông đã không tiếc hy sinh tuổi xuân và cả xương máu để giữ gìn biển đảo quê hương. Ra đây, em mới hiểu… vì biển đảo chính là quê hương, là đất nước”, Phạm Văn Kiên tâm sự.
Phạm Văn Kiên (người đứng thứ 2 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của tỉnh Dak Lak tại chùa Trường Sa lớn |
Ngay từ khi còn huấn luyện ở Tiểu đoàn 86 C, Lữ đoàn 146, chàng trai xứ núi luôn khiến đồng đội nể phục vì sức khỏe dẻo dai và tài bơi lội không thua kém ngư dân biển, trong các cuộc thi bơi ở đơn vị, Kiên luôn là người cán đích trước nhất. “Kiên có lối sống hòa đồng, có ý thức tự giác chấp hành kỷ luật và có tinh thần lạc quan, sôi nổi, yêu đời”, Trung tá Trần Huy Lương, cán bộ đơn vị Kiên công tác nhận xét. Quả thật, với một chiến sĩ trẻ nếu không ý thức đầy đủ trách nhiệm với non sông Tổ quốc, không có một tình yêu đối với biển đảo quê hương thì sẽ khó vượt qua những thử thách, những thiếu thốn về vật chất, tinh thần để toàn tâm toàn ý cho công việc. “Em sẽ cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, để không hổ danh là người con đến từ xứ sở của chàng Đam San dũng mãnh huyền thoại”, Phạm Văn Kiên thổ lộ.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc