Multimedia Đọc Báo in

Tình quân dân ở vùng biên

20:59, 12/02/2013

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nơi biên cương, những người lính biên phòng còn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ với người dân vùng biên giới để góp phần xây đắp cuộc sống nơi đây.  Có lẽ nhờ vậy, những mùa xuân nơi miền biên giới cũng luôn ấm áp, chan chứa tình người  và thắm đượm nghĩa tình quân dân…

Lần nào cũng vậy, mỗi khi đặt chân đến vùng biên giới, chúng tôi lại có được cảm giác lâng lâng, nao nao khó tả… Ở nơi ấy, luôn có những người lính ngày đêm bám trụ để giữ vững từng tấc đất quê hương. Và ở nơi ấy, ngày hôm nay đang có một cuộc sống mới dần làm thay đổi vùng đất khô cằn, khắc nghiệt. Đó là kết quả tất yếu của sự gắn bó keo sơn, của tình quân – dân đoàn kết một lòng… Tình quân – dân ở vùng biên đã trở thành sợi dây tình cảm thiêng liêng và cũng là động lực giúp người dân nơi đây vượt qua mọi khó khăn, thách thức xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần  củng cố thế trận lòng dân vì sự bình yên nơi biên giới.

Những mái ấm mang tên Biên phòng

Anh Nguyễn Văn Hon và chị Trương Thị Lan rời quê hương Bến Tre, lên Tây Nguyên lập nghiệp theo dự án kinh tế quốc phòng. Vừa chân ướt chân ráo đến mảnh đất biên giới Ia R’vê thì tai họa ập đến. Chị Lan bị bệnh, phải nằm liệt giường, mọi gánh nặng chăm lo cho gia đình một mình anh Hon gánh vác. Cuộc sống vốn đã khó khăn càng chồng chất khó khăn, những tưởng anh chị chẳng thế nào khó có thể vượt qua bởi đến một mái nhà che nắng che mưa cũng không có. Họ chỉ biết nương tựa, chăm sóc nhau trong căn nhà dựng tạm bằng phên đất, mái tranh. Tin vui đến với vợ chồng anh khi Đồn Biên phòng 737 triển khai thực hiện Chương trình mái ấm cho người nghèo…

Đặt chân vào ngôi nhà mới khang trang của gia đình anh Hon, chị Lan ở thôn 4, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp), khó ai có thể tin được chi phí xây dựng cho căn nhà tươm tất, ấm cúng  này chỉ  vỏn vẹn 15 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Chương trình Mái ấm người nghèo do chính tay cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê (Đồn 737) dựng lên. Để xây dựng được căn nhà cho anh chị với chi phí thấp như thế, ngoài sự hỗ trợ về mặt tài chính theo mức quy định của chương trình, Đồn đã huy động cán bộ chiến sĩ đóng góp ngày công, giảm chi phí tới mức thấp nhất có thể. Căn nhà mới với những tình cảm nồng ấm, nhiệt thành của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây đã sưởi ấm trái tim của những người xa quê như anh chị, động viên họ vững tin gắn bó với vùng biên như quê hương thứ hai của mình.

Thiếu tá Bùi Quang Tuyến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia R’vê chia sẻ: “Số hộ nghèo của xã biên giới Ia R’vê chiếm đến 65%, còn quá nhiều những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình của chị Lan, anh Hon, trong khi đó kinh phí chương trình rất hạn hẹp. Số tiền 15 triệu đồng hỗ trợ xây nhà cho mỗi hộ không phải là nhiều, nhưng Đồn không có kinh phí hỗ trợ thêm, vì vậy chúng tôi chỉ biết bằng trách nhiệm của người lính, huy động anh em giúp người dân toàn bộ ngày công để tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng...”.

Cũng theo thông tin từ anh Tuyến, qua hơn 2 năm triển khai Chương trình Mái ấm người nghèo đã xây dựng được cho xã vùng biên Ia R’vê tổng cộng 63 căn nhà. Đây có thể xem là “dấu ấn” đậm nét, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người lính biên phòng và qua đó giúp người dân vùng biên giới có điều kiện “an cư lạc nghiệp” trên quê hương mới Ia R’vê.

Giếng nước tình quân - dân

Ai đã từng nếm trải cái nắng như thiêu như đốt vào mùa khô ở vùng biên này mới cảm nhận được niềm mong mỏi có nước sạch của người dân dọc tuyến biên giới Buôn Đôn, Ea Súp. Và nỗi khát khao ấy đến nay cũng đã được “các chú bộ đội” “giải quyết” kịp thời. Gặp chúng tôi, ông Mai Hữu Huỳnh, thôn phó thôn 4, xã Ia R’vê phấn khởi kể: “Khi những dòng nước ngọt đầu tiên được dẫn về tận từng hộ từ công trình giếng nước khoan do bộ đội biên phòng xây dựng, bà con trong thôn ai cũng vui mừng khôn tả. Bởi từ đây sẽ không còn những ngày tháng người dân phải trữ nước mưa để nấu nướng, còn nước sinh hoạt thì phải gánh tận dưới sông xa. Người dân nơi đây giờ đã không phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt vào những năm khô hạn…”.

‘Nói có sách, mách có chứng”, ông Huỳnh nhất quyết dẫn chúng tôi ra trước nhà, “thuyết minh” các hạng mục công trình cấp nước vừa mới được khánh thành. Công trình gồm 1 giếng khoan, bồn chứa kiên cố, hệ thống đường ống dẫn nước đến tận các hộ gia đình… với kinh phí đầu tư khoảng 35 triệu đồng. Mà không riêng gì thôn 4, hầu hết các khu dân cư trên dọc tuyến biên giới này đều đã được đầu tư các công trình cấp nước tương tự. Mới nghe thì tưởng chừng đây là việc đơn giản, nhưng để có được những công trình  phục vụ dân sinh như những giếng nước khoan này là cả nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng với sự góp sức của người dân. Bởi như tính toán thì với 35 triệu đồng hỗ trợ xây dựng 1 giếng nước ở vùng biên này  là một bài toán gai góc vì chi phí dò tìm nguồn nước và khoan giếng rất cao. “Nguồn kinh phí 35 triệu đồng, tính toán sít sao lắm cũng chỉ đủ cho phần chi phí vật liệu của công trình. Không còn cách nào khác, đơn vị huy động lực lượng tham gia vào hầu hết các hạng mục xây dựng nhằm giảm thiểu tối đa chi phí tiền công.”- thiếu tá Bùi Quang Tuyến cho biết.

Cùng với công sức của bộ đội bỏ ra cũng cần phải kể đến sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân. “Được sự quan tâm hỗ trợ của các chú bộ đội, nhân dân chúng tôi người hiến đất, người bỏ công để xây dựng công trình. Nhờ đó, đến nay hầu như 100% hộ dân trên địa bàn xã Ia R’vê này đều không lo thiếu nước sinh hoạt…” – ông Huỳnh hồ hởi khoe.

Nặng lòng với cuộc sống người dân vùng biên

Là xã có điều kiện khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, công tác xóa đói giảm nghèo đã trở thành “bài toán” hóc búa đối với chính quyền xã Ia R’vê. Cùng trăn trở với địa phương trong việc tìm hướng đi mới, phát triển kinh tế hiệu quả, phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây, cán bộ Đồn Biên phòng 737 đã không quản ngại thời gian, công sức đi khắp nơi tìm hiểu, tham khảo, học tập các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, áp dụng hiệu quả tại địa phương. Sau thời gian khảo nghiệm, Đồn mạnh dạn triển khai mô hình trồng bí cao sản dọc suối Ea H’leo cho các hộ nông dân ở thôn 14, với diện tích ban đầu là 7ha. Hiệu quả mang lại ngoài mong đợi, khi 1ha đạt năng suất trên 10 tấn, trừ chi phí, người dân còn lãi ròng trên 30 triệu đồng. Mô hình đang được nhân rộng trên địa bàn, mở ra cánh cửa thoát nghèo bền vững cho người dân nơi đây.

Những thầy giáo biên phòng ở xã Ia R’vê
Những thầy giáo biên phòng ở xã Ia R’vê

Xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng 737 còn tăng cường củng cố mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa những người lính mang quân hàm xanh với nhân dân vùng phên dậu thông qua việc triển khai các đội công tác xuống bám nắm địa bàn, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, triển khai các hoạt động giúp dân lao động sản xuất, mở các lớp học xóa mù chữ, tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững chắc… Đặc biệt là thực hiện chủ trương “Mỗi cán bộ, chiến sĩ có một việc làm tốt”, lãnh đạo, chỉ huy Đồn Biên phòng 737 đã chủ động rà soát các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kết nghĩa, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Và như ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê khẳng định, những việc làm thiết thực, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ  đối với nhân dân, với chính quyền địa phương đã để lại ấn tượng sâu đậm, gây dựng được sự tin tưởng, yêu mến, gắn kết giữa nhân dân các dân tộc vùng phên dậu với người lính biên phòng.

Hoàng Lê Đăng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc