Nghĩa tình biên giới
Biên giới, mảnh đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc không chỉ gợi nhắc trong tâm trí mọi người về hình ảnh người chiến sĩ biên phòng luôn ngày đêm chắc tay súng canh gác bờ cõi biên cương, mà nơi ấy còn gắn liền với hình ảnh những người dân luôn đoàn kết gắn bó, chung vai đấu cật, tạo thành bức phên dậu vững chắc để cùng các anh bảo vệ từng tấc đất quê hương. Mảnh đất ấy cũng là nơi chứng kiến những câu chuyện thắm đượm nghĩa tình, minh họa sống động cho tình đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân…
“Ngôi nhà gia đình tôi đang ở hoàn toàn nhờ vào công sức, tiền của của những người lính biên phòng cả đấy!”, chỉ ngôi nhà khang trang, chị Trương Thị Lan, trú tại xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) xúc động cho biết. Là người con của quê hương Đồng khởi Bến Tre, năm 2004 chị cùng chồng là Nguyễn Văn Hon khăn gói lên Tây Nguyên lập nghiệp theo Dự án kinh tế quốc phòng. Vừa chân ướt chân ráo đến Ea Súp, cuộc sống phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách lại thêm những tai ương liên tục đổ xuống khi chị chẳng may bị bệnh, liệt cả chân khiến gia đình suy sụp, anh chị nảy sinh ý định quay về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Sẻ chia với những khó khăn đó, Đồn Biên phòng 737 đã nhận đỡ đầu gia đình chị, phân công cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ mọi công việc ruộng đồng cũng như luôn tận tình chăm sóc, lo lắng thuốc thang mỗi khi chị bị bệnh. Năm 2011 gia đình chị được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây tặng ngôi nhà từ Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”. “Mừng lắm chú ạ, cha ông nói “an cư lạc nghiệp”, nhờ các chú bộ đội gia đình tôi đã có nhà cửa ổn định nên mới có thể yên tâm ở lại, gắn bó với quê hương mới, hy vọng sẽ góp một phần công sức nhỏ nhoi để cùng các anh giữ gìn mảnh đất biên cương của Tổ quốc”, chị tâm sự chân thành.
Cũng chung tâm trạng vui mừng khi được tặng nhà như chị Trương Thị Lan là ông Đặng Quang Dinh, một cựu chiến binh cùng xã. Quê ông ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1971 ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và xuất ngũ năm 1977. Năm 1979 theo lời kêu gọi tổng động viên, ông lại lên đường bảo vệ Tổ quốc cho đến năm 1981. Năm 2004 gia đình ông vào Ea Súp lập nghiệp. Những khó khăn, thử thách khắc nghiệt nơi vùng đất mới không làm nản ý chí, bản lĩnh của người cựu chiến binh khi ông vẫn cần mẫn, chăm chỉ lao động, tạo dựng được căn nhà, ổn định cuộc sống. Song năm 2009, ngôi nhà của ông bất ngờ bị đàn voi dữ về phá nát, khiến cả nhà phải sống trong một lán trại tạm bợ. Niềm vui đến thật bất ngờ khi ông được hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà mới. Trong suốt thời gian thi công, không quản ngại đường sá xa xôi, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ya T’mốt vẫn ngày ngày xuống địa bàn, giúp gia đình ông làm nhà. “Sự hỗ trợ kịp thời, quý giá về vật chất, chứa đựng biết bao nghĩa tình của những người lính biên phòng như tiếp thêm động lực, nối kết chúng tôi gắn bó hơn với vùng biên giới”, ông Dinh trải lòng.
Đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Đặng Quang Dinh |
Đưa chúng tôi đi tham quan những bể nước sinh hoạt, mà người dân biên giới vẫn gọi là “Giếng nước-tình quân dân”, ông Mai Hữu Huỳnh thôn phó thôn 4 kể: “Chỉ vài ba năm trước đây để có nước sinh hoạt, nhất là trong mùa khô chúng tôi phải ra tận sông Ea H’leo chở nước về sử dụng, còn bây giờ nhờ có giếng khoan của các chú bộ đội mọi người đều có nước sinh hoạt dùng thoải mái, mà nước lại được đưa về tận nhà qua đường ống dẫn. Việc làm thiết thực, ý nghĩa trên của những người lính biên phòng đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân, các anh được mọi người ở đây tin tưởng, quý mến, xem như những thành viên trong gia đình”. Ngoài xây dựng trên 50 mái ấm cho người nghèo tặng các hộ gặp khó khăn về nhà ở và các công trình dân sinh, giếng sinh hoạt, phòng học…, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 373 đứng chân trên địa bàn xã còn tích cực tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả như trồng bí cao sản, nuôi nhím. Dấu ấn của những người lính biên phòng còn để lại đậm nét qua các hoạt động xóa mù chữ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, tăng cường công tác quân-dân y kết hợp, tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh… Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê đánh giá: với 1 xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 60% như Ia R’vê thì việc triển khai tốt công tác dân vận của cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc nơi biên giới, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người dân. Thời gian qua tình trạng vi phạm các quy chế biên giới đã chấm dứt. Người dân tự giác, tích cực, chủ động tổ chức các tổ, đội tuần tra bảo vệ vành đai, cột mốc biên giới, phòng ngừa trường hợp vượt biên trái phép, kịp thời phát hiện, cung cấp những tin tức có giá trị cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Họ chính là bức tường thành, là phên dậu vững chắc để cùng các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của quê hương, đất nước.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc