Mô hình bảo vệ cà phê hiệu quả, an toàn ở xã Cuôr Đăng
Mọi năm, cứ đến đầu tháng 10, khi cà phê bắt đầu vào vụ là anh Trần Đức Duy (thôn 6, xã Hòa Thuận. TP. Buôn Ma Thuột) lại phải kêu 3 - 4 nhân công, cho ăn ở tại rẫy chỉ với mục đích để có người là bảo vệ 2,5 ha trước khi bước vào thu hoạch chính thức từ tháng 12, song năm nay anh cứ “ung dung” chờ đến lúc chín rộ mới thuê công nhật đi hái tuốt. Anh cho biết lý do: “Những năm trước còn lo chứ năm nay đã có 2 lực lượng này bảo vệ nên không còn sợ bị mất, cũng nhờ vậy mà tôi tiết kiệm được chi phí cả chục triệu đồng thuê công trong hai tháng”. Cũng không vội vàng thuê công đi thu hoạch trong lúc cà phê vẫn còn xanh như năm trước, dẫn đến năng suất, chất lượng giảm, anh Võ Văn Hải (ở thôn 3 xã Hòa Thuận) cũng quyết định chờ cà đạt tỷ lệ chín từ 80 - 90% mới đi hái vì như thế “vừa lợi công vừa đạt năng suất cao nhất”. Không riêng gì anh Duy, anh Hải, tất cả các hộ dân có diện tích cà phê trồng trên địa bàn buôn Cuôr Đăng B năm nay đã cất gánh nặng, nỗi lo canh cánh sợ bị mất trộm, mà thỉnh thoảng họ chỉ cất công đến thăm rẫy, xem cà phê đã chín được bao nhiêu phần trăm rồi mới tính toán thời gian, nhân lực cần có để thuê nhân công. Tâm lý trên xuất phát từ sự tin tưởng, yên tâm của các hộ dân, bởi lúc nào trong khu vực này cũng có sự hiện diện, tuần tra, bảo vệ cà phê của 2 lượng công an và xã đội, mà minh chứng cụ thể nhất là từ đầu vụ mùa đến nay, trên địa bàn buôn chưa xảy ra vụ trộm cắp nào.
Lực lượng công an và xã đội trên đường tuần tra, bảo vệ cà phê tại buôn Cuôr Đăng. |
Được biết, mô hình “2 lực lượng công an, xã đội” phối hợp tuần tra, bảo vệ cà phê được xây dựng từ đầu vụ thu hoạch năm nay. Ý tưởng hình thành mô hình này xuất phát từ vấn nạn trộm cắp cà phê hoành hành ở địa phương vào những năm trước. Nguyên nhân theo Trưởng Công an xã Y Rêt Niê Kdăm thì một phần do lực lượng công an xã mỏng, không thể “phủ sóng” hết cả địa bàn; một phần do các đối tượng theo dõi, nắm bắt được “thời gian biểu”, lợi dụng các chủ rẫy thường xuyên vắng mặt do nhà ở xa để tổ chức trộm cắp. Hệ quả là cứ đến đầu mùa, các hộ lại vội vàng đua nhau, chấp nhận hái xanh, với tâm lý “xanh nhà hơn già đồng”, dẫu biết chắn chắn như thế thì chất lượng, năng suất sẽ giảm. Để chấm dứt tình trạng trên, ngay từ đầu niên vụ 2015 - 2016, song song với việc tham mưu cho UBND xã ra các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ cà phê trên địa bàn huyện; đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo người kinh doanh không thu mua các sản phẩm cà phê non, cà phê không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc cũng như rà soát, nắm bắt danh sách, theo dõi các đối tượng thường trộm cắp vặt, Công an xã đã mời những hộ dân có diện tích đất canh tác trên địa bàn trao đổi các phương án bảo vệ và đã thống nhất để Công an xã phối hợp với xã đội chịu trách nhiệm bảo vệ cà phê. Theo đó mỗi hộ tự nguyện góp 50.000 đồng/sào/hộ để hỗ trợ xăng xe đi lại, chi phí canh gác đêm cho 2 lực lượng này trong suốt niên vụ. Với vai trò là lực lượng chủ lực, Công an xã đã trích kinh phí trên 20 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, đặt biển cảnh báo ở những khu vực cấm cũng như lập 3 chốt canh gác tại các trục đường chính; đồng thời thành lập 4 tổ tuần tra, lên lịch, xây dựng kế hoạch luân phiên tổ chức canh gác khép kín từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. “Chúng tôi làm nhiệm vụ mà bà con đã tin tưởng giao cho với trách nhiệm cao nhất, ngoài việc phân công canh gác theo lịch còn có biện pháp giám sát, đôn đốc các thành viên trong từng tổ chấp hành nghiêm”, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Trưởng Công an xã cho biết.
Cà phê đang vào mùa chín rộ, đều đặn cứ 5 giờ chiều, các tổ tuần tra song phương giữa Công an và xã đội lại lên đường tuần tra, bảo vệ rẫy cà phê, trong sự an tâm, tin tưởng của người dân. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, các hộ dân đã đặt vấn đề đến mùa sau sẽ tiếp tục duy trì, trước mắt, khi kết thúc niên vụ cà phê 2015 - 2016 sẽ nhờ 2 lực lượng này đảm nhận bảo vệ vụ tiêu.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc