Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mãi người thầy áo lính

10:48, 29/11/2015
Đối với các tân học viên trong các nhà trường Quân đội, trung đội trưởng chính là người gần gũi và thân thiết nhất. Trước đám “lính binh nhì” tinh nghịch, trung đội trưởng không chỉ là cấp trên nghiêm khắc mà còn là những người thầy mẫu mực, người anh công bình, người chị thân thiết, người bạn luôn hiểu biết của các học viên.

Năm 2002, tôi bắt đầu cuộc sống của người học viên sĩ quan. Ở Đại đội 47 (Tiểu đoàn 13, Trường Sĩ quan Lục quân I) khi ấy, Thiếu úy Võ Hữu Lực, Trung đội trưởng Trung đội 5 - cán bộ quản lý trực tiếp của chúng tôi rất nổi tiếng bởi sự nghiêm khắc nhưng cũng rất ân cần. Ngay ngày đầu tiên, anh hướng dẫn chúng tôi ổn định nơi ăn ở và tranh thủ phổ biến các nội quy. Bữa cơm trưa, anh chú ý xem có học viên nào không hợp khẩu vị rồi đề nghị nhà bếp quan tâm điều chỉnh. Buổi chiều, anh tay lược, tay kéo làm đẹp cho học viên. Buổi tối, anh đi từng giường nhắc nhở học viên buông màn cho cẩn thận. Đúng một tuần sau khi nhập học, trung đội tôi đã lát gạch toàn bộ khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông trước nhà ở chỉ bằng gạch tận dụng và công sức học viên. Tuần thứ hai chúng tôi đã có rau xanh nhập ổn định cho nhà bếp. Tuần thứ ba, Trung đội 5 là trung đội đầu tiên của Tiểu đoàn thành thạo toàn bộ 4 bài thể dục tay không, các động tác liên quyền, 10 bài hát quy định của Quân đội và bài hát truyền thống của nhà trường. Giữa đêm tối chúng tôi vẫn có thể gấp chăn vuông vắn trong vòng “3 nốt nhạc”…

Trung đội trưởng Võ Hữu Lực (đứng, thứ 3 từ trái sang) với các học viên Trung đội 5.
Trung đội trưởng Võ Hữu Lực (đứng, thứ 3 từ trái sang) với các học viên Trung đội 5.

Sáng sớm, sau khi kiểm tra nội vụ vệ sinh, trung đội trưởng thường tập trung chúng tôi lại đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân để “luyện trí, luyện giọng và sảng khoái tinh thần, bắt đầu ngày mới nhiều hiệu quả”. Giờ tăng gia, sản xuất không khi nào thiếu bóng của trung đội trưởng ngoài vườn rau. Anh vốn là con nhà nông nên có nhiều kinh nghiệm trồng trọt. Trong khi các đơn vị khác “mùa nào thức nấy” vì dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao thì trung đội tôi thường chuyên về các loại rau, củ, quả cao cấp như bí đỏ, bí xanh, su hào, súp lơ, đu đủ, củ cải, ngọn rau bí, ngọn rau lang.

Học tập trên thao trường hay trên giảng đường, những học viên “chậm tiến”, trung đội trưởng sẽ ưu tiên cho ngồi hàng đầu và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn. Anh thường dạy chúng tôi: “Chiến sĩ nghĩa vụ đã rất vất vả rồi. Chúng ta học để làm cán bộ, làm sĩ quan lại càng phải vất vả hơn thì mới trưởng thành. Sau này làm chỉ huy anh em mới nghe, mới phục”. Nhờ vậy, ý thức học tập, rèn luyện của học viên rất tốt. “Sếp” tuy rất nghiêm khắc nhưng luôn gần gũi, thương yêu bộ đội nên cả trung đội ai cũng nể và quý mến anh. Thế nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi trên bảng thi đua của Đại đội, chúng tôi luôn đứng nhất, tuần nào cũng được biểu dương. Trong Tiểu đoàn, cụm từ “lính anh Lực” đã trở thành “thương hiệu”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm ấy, chúng tôi đã họp bàn và thống nhất sẽ thực hiện “Kế hoạch A” rất hoành tráng, thú vị. Đêm 19-11 trời rét căm căm, đang say giấc, cả Trung đội 5 giật mình bởi tiếng còi báo động. Chúng tôi nhanh chóng mang mặc, lấy vũ khí trang bị và cơ động ra thao trường kỹ thuật theo khẩu lệnh. Hai đồng chí to cao nhất Trung đội được lệnh vào phòng Trung đội trưởng bê một bao tải dứa to chạy theo sau đội hình. Kiểm tra quân số, tác phong mang mặc, mang đeo trang bị của các Tiểu đội xong xuôi, Trung đội trưởng biểu dương chúng tôi tham gia báo động bảo đảm thời gian, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Sau khi cho bộ đội nghỉ giải lao tại chỗ, anh dõng dạc: “Tôi biết, các đồng chí đã bàn bạc, thống nhất và “âm mưu” thực hiện “Kế hoạch A”, ngoài việc sẽ mua quà rất có giá trị tặng tôi nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam còn tổ chức liên hoan mặn và thuê cả nhạc sống nữa. Trước hết, tôi xin cảm ơn tình cảm, tấm lòng của các đồng chí. Nhưng tôi nói trước, ngày mai tôi chỉ tiếp khách đến chơi, ai mang quà đến tôi sẽ đuổi về. Vung tay quá trán, tiêu xài hoang phí không phải tính cách của người sĩ quan tương lai. Hãy tri ân thầy cô bằng những việc làm cụ thể, thông qua việc học tập, rèn luyện hằng ngày của các đồng chí. Như thế là quá đủ rồi”.

Chiếc bao tải dứa được Trung đội trưởng tháo tung, chúng tôi hò reo thích thú khi bên trong có rất nhiều bánh cam, kẹo lạc, quẩy… những món bình dân, khoái khẩu của lính học viên. Thì ra Trung đội trưởng đã chuẩn bị sẵn quà để chúng tôi liên hoan nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đêm ấy, chúng tôi thi nhau hát tặng anh và đồng đội những bài hát ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những người giáo viên và tình thầy trò. “Kế hoạch A” tuy phá sản nhưng là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ của tôi về một người thầy áo lính.

Hà Lan


Ý kiến bạn đọc