Multimedia Đọc Báo in

Biên giới thắm tình quân dân

10:51, 25/12/2017

Đứng chân trên địa bàn hai xã Ya Lốp và Ia R’vê (huyện Ea Súp), trong những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 737 đã góp phần tích cực tô thắm mối quan hệ đoàn kết quân dân, xây dựng biên cương ngày càng khởi sắc.

Ấm no nhờ ơn bộ đội

Tiếp khách trong ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Huệ và bà Nguyễn Thị Y (thôn 7, xã Ia R’vê) không giấu được niềm vui: “Năm 2002, từ Bến Tre dắt díu các con lên Tây Nguyên lập nghiệp với hai bàn tay trắng, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ mình sẽ có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 737, gia đình tôi đã thực sự đổi đời”.

Cán bộ đội sản xuất nông lâm 8 (Đoàn KTQP 737) hướng dẫn các thành viên trong gia đình ông Huệ kỹ thuật chăm sóc vườn mít.
Cán bộ đội sản xuất nông lâm 8 (Đoàn KTQP 737) hướng dẫn các thành viên trong gia đình ông Huệ kỹ thuật chăm sóc vườn mít.

Như bao hộ dân khác từ Bến Tre, Thanh Hóa, Cao Bằng, Điện Biên… đi xây dựng vùng kinh tế mới, những năm đầu gia đình ông Huệ cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Dù chịu thương, chịu khó nhưng đã trải qua hàng chục vụ sắn, dưa hấu, mía, điều… mà cuộc sống gia đình ông vẫn chỉ tạm đủ ăn. Được cán bộ, đội viên Đoàn KTQP 737 đến tận nhà động viên, tư vấn, tập huấn kỹ thuật, năm 2013 vợ chồng ông Huệ quyết định phá bỏ 1 ha vườn điều già cỗi, năng suất thấp, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng 1.500 cây mít Thái cao sản. Gần 3 năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vợ chồng ông đã được đền đáp xứng đáng. Vụ thu hoạch mít đầu tiên năm 2016, gia đình ông thu về gần 150 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí, ông “lãi ròng” hơn 80 triệu đồng. Dự kiến sản lượng, doanh thu năm 2017 sẽ đạt gấp đôi.

Hiện nay, ngoài mít Thái, gia đình ông Huệ còn trồng xen các loại bưởi da xanh, quýt, chuối và nuôi gà thả vườn để tăng thêm thu nhập. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều được các thương lái từ Sài Gòn, Đồng Nai đến bao tiêu, thu mua ngay tại vườn.

Sửa ti vi tặng các hộ nghèo

Với một số hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Ya Lốp và Ia R’vê, việc tối tối cả gia đình được quây quần bên chiếc ti vi màu vẫn là ước mơ khá xa vời. Thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của bà con, giữa năm 2016, sau khi dồn dịch biên chế, Đoàn KTQP 737 đã chọn ra những chiếc ti vi cũ dôi dư để sửa chữa, tân trang rồi tặng cho các hộ dân. “Cũ người - mới ta”, món quà thiết thực của đơn vị được bà con phấn khởi đón nhận.

Trung úy Đào Đình Hạ, Trợ lý cán bộ, chính sách (Phòng Chính trị, Đoàn KTQP 737) chia sẻ: “Dù đã được hướng dẫn cách sử dụng ti vi nhưng thời gian đầu vẫn có những chuyện dở khóc, dở cười. Có đêm, anh em, cán bộ ở các đội sản xuất vừa mắc màn đi ngủ thì có tiếng gọi cửa nhờ đến nhà “sửa” hộ ti vi. Anh em xuống kiểm tra mới biết, do bà con bấm phải các nút chức năng trên điều khiển từ xa khiến ti vi tắt tiếng, tắt màn hình. Cũng có trường hợp khác, ông bố cho con mượn điều khiển từ xa làm đồ chơi, đến lúc cần dùng thì bấm mãi chẳng được đành “cầu cứu” bộ đội, hóa ra cả 2 cục pin đã bị tháo tung vứt dưới gầm bàn”.

Cán bộ Đoàn KTQP 737 thăm hỏi chị Hiền trong ngôi nhà vừa dựng lại sau vụ cháy.
Cán bộ Đoàn KTQP 737 hướng dẫn người dân sử dụng ti vi màu. 

Là một trong những hộ dân đầu tiên được tặng ti vi, ông Võ Thanh Phong (thôn 12, xã Ia R’vê) xúc động: “Cả ngày ngoài đồng ngoài ruộng, tối về mở ti vi xem thời sự thấy mình mở mang được rất nhiều điều bổ ích. Có ti vi, các con tôi không phải đi xem nhờ hàng xóm như trước, học hành cũng tiến bộ hơn”.

Mái ấm chan chứa nghĩa tình

Khoảng 9 giờ 30 sáng 23-9-2017, căn nhà của chị Bùi Thị Kim Hiền (thôn 11, xã Ia R’vê) bất ngờ bốc cháy dữ dội do chập điện. Khi ngọn lửa được dập tắt, mọi tài sản bên trong đều đã cháy rụi, thiệt hại ước tính hàng chục triệu đồng.

Chị Hiền có hoàn cảnh rất éo le. Năm 2012, vừa chân ướt chân ráo từ huyện Châu Thành (Bến Tre) lên Đắk Lắk sinh sống thì chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời. Chị đành đứt ruột gửi đứa con lớn về quê nhờ họ hàng chăm sóc, chỉ để người con trai út ở với mình. Mấy năm nay, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đầu tư trồng ổi, trồng rau và nuôi thỏ, cuộc sống đang dần ổn định, vậy mà lại gặp hỏa hoạn…

Cán bộ Đoàn KTQP 737 thăm hỏi chị Hiền trong ngôi nhà vừa dựng lại sau vụ cháy.
Cán bộ Đoàn KTQP 737 thăm hỏi chị Hiền trong ngôi nhà vừa dựng lại sau vụ cháy.

Trước tình cảnh đó, lãnh đạo, chỉ huy Đoàn KTQP 737 quyết định tháo dỡ căn nhà gỗ (trước đây là nhà ở của Đội sản xuất nông lâm 6), lấy vật liệu dựng lại nhà cho chị. Khoảng 60 cán bộ, đội viên Đoàn KTQP 737 lao động tích cực, khẩn trương, chỉ 4 ngày sau vụ cháy, mẹ con chị Hiền đã có ngôi nhà mới bằng gỗ rộng rãi, thoáng mát, nền đổ xi măng chắc chắn, khang trang để ở. Ngày bàn giao nhà, ngoài việc vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ chị Hiền được hàng chục triệu đồng và nhiều tài sản có giá trị, Đoàn KTQP 737 còn tặng thêm cho chị một chiếc ti vi cũ 21 inch. Đây là lần thứ hai chị được bộ đội tặng ti vi.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hiền tâm sự: “Xa quê lên Tây Nguyên, bộ đội Đoàn 737 với mẹ con tôi chẳng khác nào ruột thịt. Các anh chính là điểm tựa của mẹ con tôi. Chồng có nơi hương khói, con có chỗ học hành là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Thuận An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.