Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Trường Đại học Tây Nguyên: Nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh

09:17, 02/03/2018

Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh - Trường Đại học Tây Nguyên được thành lập ngày 3-3-2003 theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Đến tháng 4-2005, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động giáo dục tập trung trong môi trường quân sự.

Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm chỉ có 5 người, đến nay đã tăng lên 18 người (trong đó có 8 sĩ quan biệt phái, 5 giảng viên và 5 cán bộ, nhân viên là cán bộ cơ hữu của nhà trường). Trung tâm được tổ chức thành 2 bộ môn: Bộ môn Quân sự có 6 giảng viên; bộ môn Chính trị có 7 giảng viên. Là một trong 12 đơn vị đào tạo trực thuộc Trường Đại học Tây Nguyên, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh có nhiệm vụ: Đào tạo môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên (HSSV) của Trường Đại học Tây Nguyên và các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo quy định phân luồng liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT; nghiên cứu khoa học sư phạm quân sự; tổ chức bồi dưỡng giáo viên giáo dục quốc phòng an ninh...

Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh tặng Giấy khen cho sinh viên đạt kết quả xuất sắc  trong học tập và rèn luyện.
Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh tặng Giấy khen cho sinh viên đạt kết quả xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Nhìn lại chặng đường 15 năm hình thành và phát triển, tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh luôn tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ một bộ môn ghép Giáo dục quốc phòng – Thể chất thuộc Khoa Sư phạm của Trường Đại học Tây Nguyên, trước yêu cầu cấp thiết trong tổ chức đào tạo môn học giáo dục quốc phòng – an ninh, Trung tâm đã được hình thành và đi vào tổ chức hoạt động độc lập cùng các đơn vị đào tạo của nhà trường. Ngày đầu thành lập, Trung tâm phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn, phòng ở của sinh viên chật hẹp, các phòng bố trí không phù hợp với đặc thù hoạt động theo mô hình của quân đội; đội ngũ cán bộ giảng viên thiếu trong khi khối lượng công việc rất nhiều, thầy kiêm thêm vị trí người chỉ huy, người quản lý sinh viên. Xác định giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm đã đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, từng bước đưa công tác tổ chức đào tạo môn học đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng đào tạo.

Trước những yêu cầu mới trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động tổ chức đào tạo môn học cần phải được chuẩn hóa trên tất cả các mặt hoạt động, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đã làm tốt công tác tham mưu với Ban Giám hiệu Trường Đại học Tây Nguyên từng bước hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, biên chế cán bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất trang thiết bị; xây dựng hệ thống văn bản quy định trong tổ chức, đào tạo. Trong những năm qua, cấp ủy, chi bộ, Ban Giám đốc Trung tâm luôn chú trọng bồi dưỡng cán bộ, viên chức; thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu học tập chương trình chính trị theo quy định, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, đặc biệt nghị quyết của Đảng ủy Nhà trường về công tác giáo dục và đào tạo. Để nâng cao chất lượng đào tạo, cấp ủy, Ban Giám đốc luôn chỉ đạo chặt chẽ việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên; kịp thời đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo nâng cao ở các trường Quân đội, tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm... Trung tâm còn thường xuyên tổ chức hội thảo, dự giờ, thông qua bài giảng, đồng thời giao nhiệm vụ cho những giảng viên có kinh nghiệm giúp đỡ người mới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu theo quy định. Hiện 100% giảng viên của Trung tâm có trình độ đại học, trong đó có 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ.

Bên cạnh đó, các khâu xây dựng kế hoạch quản lý đào tạo các khóa học sinh – sinh viên luôn được quan tâm. Hằng năm, căn cứ vào số lượng sinh viên, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đã tham mưu cho nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo từng khóa cụ thể; xây dựng kế hoạch, lịch giảng dạy, phân công giảng viên chủ nhiệm quản lý các lớp theo biên chế đơn vị quân đội; tổ chức sắp xếp, bố trí nơi ăn ở, học tập, sinh hoạt và thực hiện các nền nếp chế độ của sinh viên như môi trường quân đội. Trong đào tạo, thời khóa biểu được thiết kế chi tiết, bảo đảm đúng đủ nội dung, thời gian theo quy định. Trong mỗi đợt học, Trung tâm đều tổ chức cho sinh viên hành quân rèn luyện ban đêm, tổ chức kiểm tra bắn đạn thật chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị. Công tác khảo thí luôn thực hiện chặt chẽ nghiêm túc. Để nâng cao chất lượng đào tạo của từng khóa, ngoài việc quản lý, rèn luyện sinh viên, Trung tâm thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi tham quan các di tích lịch sử, các đơn vị quân đội; tổ chức tốt các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; chú trọng công tác thi đua khen thưởng trong các khóa học; tổ chức cho học sinh – sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, “đền ơn, đáp nghĩa”...

Một buổi huấn luyện của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Một buổi huấn luyện của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh.

 

Trong 15 năm qua, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh – Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo được 118 khóa với gần 70.000 học sinh – sinh viên; bồi dưỡng 2 khóa giáo viên giáo dục quốc phòng an ninh của tỉnh.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại như: sơn sửa mới giảng đường, ký túc xá, nhà ăn, tường rào; mua sắm trang thiết bị giảng dạy, xây dựng củng cố thao trường, bãi tập; xây dựng khuôn viên, hệ thống biển, bảng, tạo cảnh quan môi trường chính quy, xanh - sạch - đẹp.

Với những thành tích đã đạt được, Trung tâm đã được các cấp tặng nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng: năm 2011, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; 3 lần được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen và danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” (năm 2012, 2015, 2017); 3 lần được Tư lệnh, Chính ủy, Hội đồng Giáo dục Quốc phòng An ninh - Quân khu 5 tặng Bằng khen (năm 2014, 2015); 5 lần được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, UBND TP. Buôn Ma Thuột tặng Bằng khen và Giấy khen (năm 2008, 2010, 2014, 2015, 2017). Hằng năm, Trung tâm đều được nhà trường tặng Giấy khen và danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; 100% cán bộ, viên chức đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”. Chi bộ Trung tâm đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu trong 5 năm liền (2013 – 2017), được Đảng ủy nhà trường đề nghị Tỉnh ủy tặng Bằng khen.

Kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được trong 15 năm qua, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh tiếp tục ra sức thi đua “Dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT, xây dựng Trung tâm chính quy, tiên tiến, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo; xây dựng Chi bộ Trung tâm trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Lê Viết Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.